Quy định về lao động là người giúp việc gia đình mới nhất

  • Tác giả: My Ly |
  • Cập nhật: 25/05/2022 |
  • Giáo dục |
  • 1215 Lượt xem
5/5 - (6 bình chọn)

Quy định về lao động là người giúp việc gia đình mới nhất

Lao động là người giúp việc gia đình theo Bộ luật lao động mới nhất

Điều 161 Bộ luật lao động quy định về Lao động là người giúp việc gia đình như sau:

1. Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. 

Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và c công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.

2. Chính phủ quy định về lao động là người giúp vic gia đình. 

Bình luận về quy định lao động là người giúp việc gia đình 

Lao động là người giúp việc gia đình là lực lượng lao động rất được thế giới quan tâm. Theo thống kê của ILO, hiện có khoảng 53 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình trên toàn thế giới, 83% số lao động giúp việc gia đình là nữ giới. Năm 2011, ILO đã thông qua Công ước số 189 về việc làm bền vững đối với lao động giúp việc gia đình và Khuyến nghị số 201 về lao động giúp việc gia đình. Đây là những tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên được áp dụng riêng đối với lao động giúp việc gia đình, kể cả lao động giúp việc gia đình làm việc ở nước ngoài nhằm tạo ra hàng rào pháp lý bảo vệ đối với người lao động giúp việc gia đình, đảm bảo cho lao động giúp việc gia đình được hưởng sự bình đẳng về việc làm và điều kiện sinh hoạt. 

Ở Việt Nam, lao động giúp việc gia đình đã tồn tại từ rất sớm trong đời sống xã hội. Tuy nhiên phải đến năm 1994 mới được thừa nhận và quy định trong BLLĐ. Qua quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật, lao động là người giúp việc gia đình vẫn luôn được coi là lao động đặc thù và được quy định trong BLLĐ. 

Tính đặc thù của lao động là người giúp việc gia đình được thể hiện rất rõ trong khái niệm về lao động là người giúp việc gia đình quy định tại Điều 161 của Bộ luật: 

Thứ nhất: Công việc của người giúp việc gia đình là các công việc trong gia đình, bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình.

Đây là nét đặc trưng khác với công việc của người lao động khác, không phải những công việc được xác định cụ thể mà là một chuỗi các công việc giản đơn khác nhau, được lặp đi lặp lại mỗi ngày (nấu ăn, trông trẻ, giặt giũ, quét dọn nhà cửa…) và không thể được mô tả một cách rõ ràng, thời gian làm việc cũng không cố định mà phụ thuộc vào đối tượng được phục vụ.

Trong khi đó đối tượng được phục vụ, được thụ hưởng là các thành viên trong gia đình, mọi lứa tuổi khác nhau, có nhu cầu khác nhau, vì thế đòi hỏi lao động giúp việc gia đình không chỉ hiểu biết về công việc mà còn phải hiểu biết nhu cầu và tính cách của từng thành viên trong gia đình.. 

Để bảo vệ người lao động giúp việc gia đình tránh bị bóc lột và lạm dụng sức lao động, pháp luật lao động quy định công việc của người giúp việc gia đình không được liên quan đến hoạt động thương mại. Điều này có nghĩa là các công việc của người giúp việc gia đình không được liên quan đến sản xuất, kinh doanh tạo ra lợi nhuận hoặc cạnh tranh trên thị trường mà chỉ đơn thuần thực hiện các công việc liên quan đến đời sống sinh hoạt của gia đình, cá nhân có nhu cầu giúp việc. 

Thứ hai: Lao động giúp việc gia đình làm việc trong môi trường khép kín, đơn lẻ. Phạm vi làm việc của người lao động giúp việc gia đình là trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Thời gian để thực hiện công việc không cố định, thường kéo dài và diễn ra gần như toàn thời gian ở trong nhà, người giúp việc ít có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài. Vì vậy, người giúp việc dễ bị bóc lột, lạm dụng sức lao động, ngược đãi, quấy rối tình dục… từ các thành viên trong gia đình.

Ngoài ra, người giúp việc còn có nguy cơ bị chủ sử dụng lao động vi phạm các thỏa thuận về công việc, tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chưa kể họ có thể bị kiểm soát hành vi, lời nói, tự do đi lại và giao tiếp làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần. 

Xuất phát từ tính chất đặc thù của đối tượng lao động này so với người lao động khác mà Bộ luật giao Chính phủ quy định về lao động là người giúp việc gia đình, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, tạo sự linh hoạt và tính khả thi trong việc thực hiện các quy định của luật. 

5/5 - (6 bình chọn)