Tìm hiểu về Bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2024 và các vấn đề liên quan

  • Tác giả: Cẩm Tú |
  • Cập nhật: 09/01/2024 |
  • Tư vấn bảo hiểm xã hội |
  • 509 Lượt xem
5/5 - (1 bình chọn)

Tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là nghĩa vụ nhưng cũng mang lại nhiều quyền lợi cho người lao động, trong đó có nhiều quyền lợi mà người tham gia theo đối tượng tự nguyện không có được.

Khái niệm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc không còn xa lạ đối với người lao động và người sử dụng lao động. Bởi vì bảo hiểm xã hội gắn liền với trách nhiệm và quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động. Bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ có những lợi thế so với bảo hiểm tự nguyện. Để giúp Quý độc giả có cái nhìn rõ hơn về bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bộ phận tư vấn pháp luật sẽ chia sẻ một số vấn đề về bảo hiểm xã hội bắt buộc trong bài viết dưới đây.

> Tham khảo: Bảo hiểm xã hội là gì? Các vấn đề liên quan bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì?

Bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập khi người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tuổi già (hết tuổi lao động) hoặc chết dựa trên việc đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội có 2 dạng là bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là bảo hiểm xã hội mà người lao động và người sử dụng lao động tham gia do Nhà nước tổ chức có tính chất bắt buộc.

Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở đâu?

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thông qua công ty, doanh nghiệp mà mình đang tham gia lao động. Có nghĩa, hàng tháng, người lao động sẽ bị trừ vào tiền lương một khoản tiền tương ứng với các phần theo quy định.

Người sử dụng lao động (công ty, doanh nghiệp) có trách nhiệm đóng các khoản bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm xã hội thông qua cơ quan bảo hiểm xã hội nơi công ty, doanh nghiệp đặt trụ sở. Các khoản bảo hiểm xã hội bao gồm cả phần của công ty, doanh nghiệp phải đóng với tỷ lệ là 21,5% và phần người lao động phải đóng là 10,5%.

>> Tham khảo: Hướng Dẫn Đăng Ký Bảo Hiểm Xã Hội Lần Đầu Qua Mạng

Có nên đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không?

Đúng như tên gọi, bảo hiểm xã hội bắt buộc có tính chất bắt buộc người lao động, người sử dụng lao động phải tham gia khi thuộc đối tượng quy định. Nếu không tham gia đúng và đủ sẽ bị truy thu và xử phạt vi phạm hành chính.

Như vậy, không phải có nên hay không nên đóng mà ở đây bắt buộc người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nếu không sẽ bị áp dụng các chế tài xử lý.

Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc?

Khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi qua các chế độ sau:

Thứ nhất: Chế độ ốm đau

Khi người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không được xác định là tai nạn lao động hoặc tự người lao động hủy hoại sức khỏe và có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền thì người lao động sẽ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau. Hoặc trường hợp người lao động có con nhỏ dưới 7 tuổi ốm cũng được nghỉ hưởng chế độ này.

Trong thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, người lao động sẽ được bảo hiểm chi trả một khoản tiền tương ứng với 75% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm của người lao động.

Thứ hai: Chế độ thai sản

Trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì người lao động sẽ được nghỉ khám thai, nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con, nghỉ việc hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai, nghỉ việc chăm vợ sinh con. Với thời gian này, người lao động sẽ được hỗ trợ thu nhập giảm sút theo mức do bảo hiểm xã hội tổ chức chi trả.

Thứ ba: Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Nếu người lao động đáp ứng được các điều kiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thì sẽ được hưởng trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng tùy vào mức độ suy giảm khả năng lao động, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, người lao động còn có thể được cấp các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình,…

Thứ tư: Chế độ hưu trí

Người lao động phải đảm bảo đáp ứng được các điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Bảo hiểm xã hội.

Mức lương hưu hàng tháng của người lao động tùy thuộc vào số năm tham gia bảo hiểm và mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể: mức hưởng lương hưu của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với số năm đóng bảo hiểm theo quy định. Sau đó cứ 1 năm tính thêm 2 % và tối đa bằng 75%.

Thứ năm: Chế độ tử tuất

Khi người lao động chết, nếu người lao động và người thân đáp ứng được các điều kiện theo quy định của luật bảo hiểm xã hội thì thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng phí.

Mức trợ cấp tuất sẽ phụ thuộc vào lương cơ sở (đối với tuất một lần), thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và mức lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động (đối với tuất một lần).

>> Tham khảo: Thủ Tục Thanh Toán Bảo Hiểm Xã Hội Một Lần Như Thế Nào?

So sánh bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện

Giữa bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện có nhiều điểm khác nhau nhưng để Quý độc giả dễ nhận biết được 2 loại bảo hiểm, chúng tôi sẽ đưa ra một số tiêu chí sau:

Thứ nhất: Đối tượng tham gia

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định cứng tại Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội. Người nào không thuộc đối tượng tham gia bắt buộc và từ đủ 15 tuổi trở lên mà có nhu cầu có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thứ hai: Các chế độ được hưởng

Khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người tham gia sẽ được hưởng các chế độ nêu trên: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, lương hưu, tử tuất. Nhưng khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất mà thôi.

Thứ ba: Số phần trăm đóng

Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện: người tham gia sẽ đóng 22% mức thu nhập tháng.

Đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc: người lao động đóng 10,5 % mức lương làm căn cứ đóng (bao gồm cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế). Người sử dụng lao động đóng 21,5% mức lương làm căn cứ đóng (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế).

Thứ tư: Mức thu nhập, lương làm căn cứ đóng

Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện: mức thu nhập làm căn cứ đóng do người tham gia lựa chọn, tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo và tối đa không quá 20 lần mức lương cơ sở.

Đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc: mức lương làm căn cứ đóng sẽ dựa trên mức lương trong hợp đồng lao động hoặc mức lương tối thiểu vùng nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Ngoài ra, đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia có thể dừng tham gia tại bất kỳ thời điểm nào nếu có nhu cầu. Còn đối bảo hiểm xã hội bắt buộc, chỉ được phép dừng đóng khi người lao động chấm dứt hợp đồng hoặc tháng đó người lao động không đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội.

Quý độc giả còn vấn đề gì chưa rõ có thể liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6560 để được tư vấn và giải đáp các vấn đề rõ hơn.

->>>> Tham khảo thêm: Tổng đài tư vấn bảo hiểm xã hội miễn phí

->>>> Tham khảo thêm: Tổng đài tư vấn bảo hiểm y tế miễn phí

->>>> Tham khảo thêm: Tổng đài tư vấn bảo hiểm thất nghiệp miễn phí

5/5 - (1 bình chọn)