Thủ tục Đăng ký bản quyền âm nhạc 2024

  • Tác giả: Ngọc Lan |
  • Cập nhật: 20/03/2024 |
  • Tư vấn doanh nghiệp |
  • 467 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Đăng ký bản quyền âm nhạc là vấn đề được nhiều độc giả quan tâm trong thời gian gần đây. TBT Việt Nam thực hiện bài viết nhằm chia sẻ tới Quý vị những thông tin hữu ích nhất, mới nhất về bản quyền âm nhạc cũng như đăng ký bản quyền âm nhạc.

Bản quyền âm nhạc

Âm nhạc nói chung hay với tên gọi pháp lý là tác phẩm âm nhạc, thì theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, tác phẩm âm nhạc được hiểu là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.

Bản quyền được hiểu là quyền của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tác. Thông thường, tác giả có bản quyền đối với tác phẩm của mình kể từ thời điểm mà tác giả tạo ra tác phẩm.

Từ những định nghĩa trên có thể kết luận: Bản quyền âm nhạc được hiểu là quyền của tác giả đối với các tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn kể từ thời điểm mà tác giả tạo ra tác phẩm.

Điều kiện bảo hộ, căn cứ phát sinh, xác lập quyền tác giả đối với âm nhạc

1/ Điều kiện để được bảo hộ

Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, tác phẩm âm nhạc được bảo hộ khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

– Phải do chính tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ;

– Không sao chép từ tác phẩm của người khác;

– Được thể hiện ra bên ngoài bằng những hình thức vật chất nhất định.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 8 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, nhà nước sẽ không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh. Vì vậy, nội dung của tác phẩm âm nhạc cũng phải thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 8.

2/ Căn cứ phát sinh, xác lập quyền tác giả đối với âm nhạc

Theo khoản 1 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, căn cứ phát sinh, xác lập quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được quy định như sau: “ Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”.

Như vậy, quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được bảo hộ tự động kể từ khi tác phẩm ra đời dưới một hình thức vật chất nhất định. Tuy nhiên, việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả vẫn tạo ra nhiều ưu thế hơn khi phát sinh những tranh chấp về bản quyền.

Đăng ký bản quyền âm nhạc

Đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là hoạt động được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm bảo hộ quyền tác giả đối với cá nhân, tổ chức có tác phẩm âm nhạc thỏa mãn các điều kiện được bảo hộ theo quy định của luật sở hữu trí tuệ.

Hệ quả của thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc hợp lệ là được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

1/ Thủ tục đăng ký bản quyền âm nhạc

Đăng ký bản quyền âm nhạc được thực hiện theo các bước sau đây:

– Bước 1: Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả chuẩn bị tờ khai đăng ký (mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2016/TT-BVHTTDL) và 01 bộ hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả (bao gồm các giấy tờ tài liệu theo khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019).

– Bước 2: Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả sau khi đã soạn thảo xong bộ hồ sơ có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác tiến hành nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả; Hoặc hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.

– Bước 3: Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.

– Bước 4: Tiến hành nộp lệ phí theo quy định để nhận được Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả. Sau khi có thông báo hồ sơ đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký, chủ đơn đăng ký cần nộp phí để nhận được giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm âm nhạc.

2/ Nơi làm thủ tục đăng ký bản quyền âm nhạc

Hiện nay, chức năng quản lý hoạt động đăng ký quyền tác giả được giao cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo căn cứ lãnh thổ, vùng miền, cụ thể:

– Tại Hà Nội, thực hiện đăng ký bản quyền âm nhạc tại Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả địa chỉ số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội (SĐT: 024.38 234 304).

– Tại, thực hiện đăng ký bản quyền âm nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Đại diện Cục Bản quyền tác giả, địa chỉ số 170 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh (SĐT: 028.39 308 086).

– Tại Thành phố Đà Nẵng, thực hiện đăng ký bản quyền âm nhạc tại Văn phòng Đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP. Đà Nẵng, địa chỉ số 01 Đường An Nhơn 7, Phường An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng (SĐT: 0236.3 606 967).

5/5 - (5 bình chọn)