Một số thể loại văn học thơ truyện

  • Tác giả: Ngô Linh Trang |
  • Cập nhật: 24/05/2022 |
  • Giáo dục |
  • 4536 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Một số thể loại văn học thơ truyện là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình ngữ văn 11 bậc Trung học phổ thông.

Một số thể loại văn học

Hình thức tổ chức tác phẩm văn học được xác định trong loại (loại hình, chủng loại) và thể (thể tài, thể loại, kiểu, dạng). Loại là phương thức tồn tại chung; thể chỉ là sự hiện thực hoá của loại. Bên cạnh đó phần lớn các ý kiến đều đồng ý rằng các tác phẩm văn học được chia làm ba loại lớn:

+ Trữ tình (lấy cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng của con người làm đối tượng thể hiện chủ yếu)

+ Tự sự (dùng lời kể, lời miêu tả đê xây dưng cốt truyện, khắc hoạ tính cách nhân vật, dựng lên những bức tranh về đời sống)

+ Kịch (thông qua lời thoại và hành động của các nhân vật mà tái hiện những xung đột xã hội).

Thể là hiện thực hóa của loại, nhỏ hơn loại. Căn cứ để phân chia thể rất đa dạng có khi dựa vào độ ngắn dài; đề tài; cấu trúc; tính chất mâu thuẫn; cảm hứng chủ đạo… Trong đó mỗi loại lại có thể gồm các thể riêng như loại trữ tình có các thể: thơ ca, khúc ngâm,… ; Loại tự sự có các thể: truyện, ký, tuỳ bút,… ; Loại kịch có các thể: chính kịch, bi kịch, hài kịch,… Bên cạnh đó còn có một thể loại khác cũng thường gặp, đó là nghị luận.

Một số thể loại văn học thơ truyện là thể loại quen thuộc và được sử dụng rộng rãi trong chương trình trung học phổ thông.

Thơ

Thơ là một thể loại văn học có phạm vi phổ biến rộng và sâu cũng như hết sức quen thuộc với chúng ta. Thơ tác động  rộng đến người đọc người nghe bằng sự nhận thức cuộc sống, những liên tưởng, tưởng tượng phong phú. Thơ ca là tấm gương phản chiếu tâm hồn, là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời. Thơ chú trọng đến cái đẹp, phần thi vị của tâm hồn con người và cuộc sống khách quan. Cốt lõi cơ bản của thơ là trữ tình. Ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm xúc, giàu nhịp điệu, hình ảnh sinh động, được tổ chức đặc biệt theo thể thơ.

Thông thường thơ có thể phân loại như sau:

+ Phân loại thơ theo nội dung biểu hiện có: Thơ trữ tình, thơ tự sự, thơ trào phúng.

+ Phân loại thơ theo cách thức tổ chức bài thơ có: Thơ cách luật (viết theo luật đã định trước), thơ tự do (không theo luật), thơ văn xuôi (câu thơ gần như câu văn xuôi nhưng vẫn có nhịp điệu).

Bên cạnh đó khi đọc thơ cần tuân thủ những yêu cầu dưới đây:

+ Nắm rõ, chính xác về tên tác phẩm, tên tập thơ, tên tác giả, năm xuất bản, tìm hiểu những thông tin liên quan đến hoàn cảnh sáng tác bài thơ.

+ Đọc kỹ bài thơ, cảm nhận ý thơ qua câu chữ, hình ảnh, nhịp điệu. Ý thơ ở đây là cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng, những sự việc, sự vật,… Đồng cảm với nhà thơ, dùng liên tưởng, tướng tượng, phân tích khả năng biểu hiện của từng từ ngữ, chi tiết, vần điệu,… mới cảm nhận được ý thơ, thấu hiểu hình tượng thơ, cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình.

+ Từ những câu thơ đẹp, lời thơ lạ, ý thơ hay, từ hình tượng thơ, cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình, hãy lùi xa ra và nhìn lại để lý giải, đánh giá toàn bài thơ cả về nội dung và nghệ thuật. Cần chỉ ra được những nét độc đáo, sáng tạo trong hình thức biểu hiện; những đóng góp về nội dung tư tưởng.

Truyện

Khác với thơ ca in đậm dấu ấn chủ quan, truyện phản ánh hiện thực trong tính khách quan của nó. Truyện thường có cốt truyện, nhân vật, tình huống, mâu thuẫn diễn ra trong hoàn cảnh không gian và thời gian nhất định. Truyện sử dụng nhiều hình thức ngôn ngữ khác nhau, có ngôn ngữ truyện có lời người kể chuyện, lời nhân vật, đối thoại nội tâm,… Ngôn ngữ truyện gần với ngôn ngữ đời sống.

Cùng với sự phát triển lịch sử của văn học, truyện cũng có những kiểu loại khác nhau.

+ Văn học dân gian có nhiều kiểu truyện: Thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn.

+ Văn học trung đại có loại truyện viết bằng chữ Hán và loại truyện viết bằng chữ Nôm (chia theo hình thức văn tự).

+ Trong văn học hiện đại, theo quy mô văn bản và dung lượng hiện thực, người ta phân ra truyện ngắn, truyện vừa và truyện dài (tiểu thuyết).

Ngoài ra khi đọc truyện cũng có những yêu cầu nhất định:

+ Đọc truyện cần biết hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh sáng tác để lấy cớ sở cảm nhận đúng nội dung của truyện.

+ Nhớ được cốt truyện và diễn biến của những tình tiết chính. Phát hiện được tính cách nhân vật.

+ Phát hiện vấn đề mà truyện đặt ra, tìm hiểu ý nghĩa tư tưởng và đặc điểm nghệ thuật của truyện.

Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Một số thể loại văn học thơ truyện. Nếu trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu và giải quyết vấn đề còn điều gì mà bạn đọc thắc mắc hay quan tâm bạn có thể liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (5 bình chọn)