Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là gì?

  • Tác giả: admin |
  • Cập nhật: 27/03/2024 |
  • Tư vấn doanh nghiệp |
  • 207 Lượt xem
5/5 - (20 bình chọn)

Để doanh nghiệp có đủ chi phí để hoạt động và chi tiêu vào các khoản đầu tư phát triển, khi thành lập Công ty, chủ sở hữu phải dự toán ra một mức vốn nhất định. Vốn này còn được gọi là vốn điều lệ của công ty. Một vấn đề đặt ra là “Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là gì?”. Hãy cùng Chúng tôi tham khảo bài viết dưới đây.

Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là gì?

Theo Khoản 1 Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

Việc thanh toán cổ phần đã được đăng ký mua tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp được quy định như thế nào?

Thứ nhất: Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.

Thứ hai: Trong trường hợp vượt quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các cổ đông chưa thanh toán hoặc mới chỉ thanh toán một phần cổ phần đã đăng ký mua thì sẽ được xử lý như sau:

– Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;

– Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;

– Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán.

– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định của pháp luật, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.

Công ty không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá cổ phần đã được thanh toán đủ thì có vi phạm pháp luật không?

Nếu Công ty không tiến hành đăng ký giảm vốn điều lệ đúng theo thời hạn, Công ty sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, cụ thể:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 01/06/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư như sau:

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.

– Buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp.

Như vậy, khi không thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ, Công ty sẽ bị xử phạt tiền theo quy định của pháp luật, đồng thời buộc phải thực hiện thủ tục giảm vốn lên Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Thủ tục Giảm vốn điều lệ trong trường hợp cổ đông không thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua

Về hồ sơ thực hiện thủ tục:

– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

– Bản sao Biên bản họp và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi vốn điều lệ.

– Danh sách cổ đông Công ty (trong trường hợp có cổ đông không thanh toán số cổ phần đã được đăng ký mua).

Về trình tự thực hiện thủ tục:

Bước 1: Doanh nghiệp nộp một bộ hồ sơ đăng ký giảm vốn điều lệ lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thông qua Website: dangkykinhdoanh.gov.vn

Bước 2: Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, người nộp hồ sơ sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

Bước 3: Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện cấp đăng ký doanh nghiệp, hoặc ra thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Thời gian thực hiện thủ tục: 03 ngày làm việc kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được hồ sơ hợp lệ.

Chi phí thực hiện thủ tục: 100.000 đồng.

Kết quả của thủ tục: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trên đây là một số vấn đề có liên quan đến “Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là gì?”. Mong rằng đây sẽ là một nguồn tài liệu bổ ích có thể giúp Quý bạn đọc trong quá trình nghiên cứu và làm việc. Nếu vẫn còn thắc mắc hoặc để biết thêm nhiều thông tin, Quý bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn. Xin cảm ơn.

 

5/5 - (20 bình chọn)