Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh

  • Tác giả: Nguyễn Kiều |
  • Cập nhật: 03/12/2021 |
  • WIKI hỏi đáp |
  • 258 Lượt xem
5/5 - (8 bình chọn)

Văn bản thuyết minh là văn bản quen thuộc và sử dụng rất nhiều đối với chương trình bậc Trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tuy nhiên đây là văn bản khó nên việc sử dụng chúng cần được bạn đọc lưu ý. Đặc biệt nhiều bạn đọc rất băn khoăn không biết đối với văn bản này hiện các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh ra sao.

Văn bản thuyết minh là gì?

Thuyết minh là hình thức tồn tại dưới hai dạng nói và viết cùng nhằm mục đích chính là cung cấp tri thức khách quan về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân của sự vật hiện tượng trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giải thích.

Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống. Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản nhằm giới thiệu, trình bày chính xác, khách quan về cấu tạo, tính chất, quan hệ, giá trị,… của một sự vật, hiện tượng, một vấn đề thuộc tự nhiên, xã hội và con người. Văn bản thuyết minh  cũng cung cấp tri thức về các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, trong xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích,.. 

Có nhiều loại văn bản thuyết minh khác nhau. Có loại chủ yếu trình bày giới thiệu như thuyết minh một tác phẩm, một di tích lịch sử, một phương pháp. Lại có loại thiên về miêu tả sự vật hiện tượng với những hình ảnh sinh động, giàu tính tượng hình.

 

Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh

Kết cấu văn bản được hiểu là sự tổ chức, sắp xếp các thành tố của văn bản thành một đơn vị thống nhất, hoàn chỉnh, có ý nghĩa. Kết cấu phụ thuộc vào đối tượng, mục đích và người tiếp nhận văn bản.

Khi viết bài văn thuyết minh có thể lưạ chọn nhiều hình thức kết cấu khác nhau. Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh bao gồm:

– Kết cấu theo trình tự thời gian: Trình bày sự vật theo quá trình hình thành, vận động và phát triển.

– Kết cấu theo trình tự không gian: Trình bày sự vật theo tổ chức vốn có của nó(bên trên bên dưới, bên trong bên ngoài hoặc theo trình tự quan sát).

– Kết cấu theo trình tự lôgíc: Trình bày sự vật theo các mối quan hệ khác nhau (mối quan hệ nguyên nhân-kết quả; chung-riêng; liệt kê các mặt; các phương diện…)

– Kết cấu theo trình tự hỗn hợp: Trình bày sự vật kết hợp nhiều trình tự khác nhau.

Ví dụ các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh

Cụ thể để giúp độc giả hình dung về các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh dễ hơn bài viết xin đưa ra một số ví dụ làm rõ.

– Kết cấu theo trình tự thời gian về vẻ đẹp văn hóa, lịch sử của một thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội – đền Ngọc Sơn:

“Huyền thoại kể rằng: Xưa kia, vẻ đẹp quyến rũ nơi đây đã khiến các tiên nữ thường giáng trần tắm mát, dạo chơi, ngắm cảnh trên hồ và người trần đã dựng đền thờ các nàng trên mảnh đất này. Đến cuối đời Lê, chùa Ngọc Sơn được xây dựng làm nơi thờ Phật; từ thời Nguyễn, nơi đây mới chuyển thành đền thờ Thánh như hiện nay. Năm 1864, Nguyễn Văn Siêu (Thần Siêu) – nhà nho, nhà văn hoá lớn của Hà Nội đã đứng ra sửa sang lại toàn bộ cảnh quan khu vực đền Ngọc Sơn và để lại nhiều di bút bất hủ nơi đây. Kiến trúc của đền Ngọc Sơn là một hệ thống liên hoàn ẩn chứa dấu ấn cả ba hệ tư tưởng – tôn giáo: Nho, Phật, Đạo hoà quyện với nhau thật tự nhiên và thể hiện dưới những hình tượng kiến trúc vừa chân thật vừa huyền ảo”.

(Trích Đền ngọc sơn và hồn thơ hà nội – Theo Lương Quỳnh Khuê, Tạp chí Truyền hình Hà Nội, tháng 11-2005)

– Kết cấu theo trình tự không gian theo trình tự quan sát để thuyết minh đền Ngọc Sơn:

Nhìn từ ngoài vào, Tháp Bút – Đài Nghiên thể hiện tinh thần của Đạo Nho; trong điện chính lại thờ các vị thần của Đạo Giáo, song các vị này đều liên quan đến việc học hành, khoa cử, đỗ đạt; ba vị thờ nơi hậu điện (Quan Đế tức Quan Vân Trường, Táo Quân, Đức Thánh Trần) không chỉ thể hiện tinh thần của Đạo Giáo mà còn là sự đề cao những con người trung nghĩa, không phân biệt dân tộc, đẳng cấp và lồng vào đó là cả lòng tự hào dân tộc với sự tôn vinh Đức Thánh Trần. Sau nữa phải kể đến Phật A Di Đà được phối thờ ở hậu cung theo mô hình tiền Thánh hậu Phật thường gặp trong nhiều ngôi đền ở Việt Nam. Đó chính là một tổng thể kiến trúc vừa mang dấu ấn tâm linh vừa hiển hiện một tâm hồn yêu cái đẹp và cái thiện…”

(Trích Đền ngọc sơn và hồn thơ hà nội – Theo Lương Quỳnh Khuê, Tạp chí Truyền hình Hà Nội, tháng 11-2005)

– Kết cấu theo trình tự logic liệt kê các mặt; các phương diện của bưởi phúc trạch

Vỏ bưởi phúc trạch mỏng chứ không dày như nhiều loại bưởi khác. Cầm con dao sắc, gọt nhẹ, màu hồng đào trồi lên mịn màng như má cô gái dậy thì. Gọt sâu vào một chút nữa, cái màu hồng đào ấy càng đậm hơn, càng đằm thắm hơn. Cuối cùng, dí mũi dao lên đỉnh quả rạch dọc xuống múi bưởi hiện ra màu hồng quyến rũ. Tách ra từng múi, tép bưởi chen chúc nhau mọng lên đầy ắp hương vị hấp dẫn… Dĩ nhiên là vị của nó không cay the, không chua nhưng cũng không ngọt đậm, mà ngọt thanh. Càng ăn càng thích. Ăn nhiều không chán”.

Mong rằng qua nội dung bài viết trên đã cung cấp đến quý độc giả những thông tin cơ bản về Các hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh.

5/5 - (8 bình chọn)