Thủ tục thành lập Chi nhánh Công ty Cổ phần

  • Tác giả: admin |
  • Cập nhật: 19/03/2024 |
  • Tư vấn doanh nghiệp |
  • 183 Lượt xem
5/5 - (15 bình chọn)

Việc mở Chi nhánh Công ty Cổ phần mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi thế trong quá trình hoạt động, phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi thành lập chi nhánh do không nắm rõ trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Bài viết này sẽ đưa ra đầy đủ những thủ tục cần thiết để thành lập Chi nhánh Công ty cổ phần.

Một số khái quát chung về Chi nhánh

Khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.”

Về chức năng, chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Tức là chi nhánh vừa được tiến hành hoạt động kinh doanh vừa có chức năng đại diện theo ủy quyền cho doanh nghiệp.

Về tư cách pháp nhân, chi nhánh công ty là tổ chức được thành lập hợp pháp, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có con dấu và tài khoản riêng nhưng chưa độc lập hoàn toàn về tài sản, phải nhân danh công ty để thực hiện các giao dịch và tham gia các quan hệ pháp luật nên chi nhánh không có tư cách pháp nhân.

Về địa điểm, doanh nghiệp có quyền lập chi nhánh ở trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tại một địa phương nhưng doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh khác nhau.

Về tên gọi, theo quy định tại Khoản 2 Điều 40 Luật Doanh nghiệp năm 2020, tên chi nhánh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh”.

Về con dấu, chi nhánh có con dấu riêng. Theo Khoản 2 Điều 43 Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp sẽ quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của chi nhánh.

Về nghĩa vụ thuế, chi nhánh có thể lựa chọn hạch toán phụ thuộc hoặc hạch toán độc lập với doanh nghiệp. Do đó, chi nhánh có thể có mã số thuế riêng, hóa đơn riêng trong trường hợp lựa chọn hạch toán độc lập. Theo quy định pháp luật hiện hành, chi nhánh phải khai và nộp các loại thuế, phí cơ bản sau: Lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều kiện thành lập Chi  nhánh Công ty Cổ phần

Các doanh nghiệp đều có quyền thành lập chi nhánh khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

  • Có giấy phép kinh doanh hợp lệ
  • Người đứng đầu chi nhánh không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020;
  • Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của công ty
  • Có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
  • Tên chi nhánh được thực hiện theo quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Trụ sở của chi nhánh phải đảm bảo thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp và không được đặt ở những nơi không được phép đặt trụ sở doanh nghiệp, như chung cư hoặc nhà ở tập thể.;
  • Nộp lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ thành lập Chi nhánh Công ty Cổ phần

Để thành lập chi nhánh công ty cổ phần ở trong nước doanh nghiệp cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

  • Thông báo thành lập chi nhánh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
  • Bản sao nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng quản trị
  • Bản sao hợp lệ quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh
  • Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân cảu người đứng đầu chi nhánh
  • Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Cơ quan giải quyết: Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi chi nhánh đặt trụ sở (hay còn gọi là Cơ quan đăng ký kinh doanh) có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ; cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động chi nhánh cho doanh nghiệp

Trình tự, thủ tục thành lập chi nhánh công ty cổ phần

Để thành lập chi nhánh công ty cổ phần, doanh nghiệp tiến hành theo các bước sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Theo đó, doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ thành phần hồ sơ thành lập chi nhánh công ty cổ phần như đã nêu trên.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Doanh nghiệp thành lập chi nhánh công ty cổ phần nộp hồ sơ thành lập chi nhánh tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi chi nhánh đặt trụ sở. Việc nộp hồ sơ được thực hiện theo hình thức trực tuyến thông qua cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bước 3: Theo dõi và bổ sung hồ sơ (nếu có)

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo về kết quả hồ sơ đăng ký thành lập chi nhánh công ty cổ phần. Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh cho doanh nghiệp.

Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì doanh nghiệp tiến hành sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh thì phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

Bước 4: Nhận kết qủa

Như đã nêu trên, nếu hồ sơ đăng ký hợp lệ thì Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh cho doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có thể nhận kết quả trực tiếp tại bộ phận một cửa của Cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc nhận thông qua đường chuyển phát.

Đối với việc thành lập chi nhánh ở nước ngoài doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định của pháp luật nước đó.

Tuy nhiên, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chính thức lập chi nhánh, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Kèm theo thông báo phải có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh hoặc giấy tờ tương đương. Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cập nhật thông tin về chi nhánh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.

Trên đây là nội dung bài viết về “Thành lập chi nhánh công ty cổ phần” mà chúng tôi gửi đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ Công Ty Luật Hoàng Phi với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.

->>>> Tham khảo thêm: Thành lập địa điểm kinh doanh

->>>> Tham khảo thêm: Thay đổi ngành nghề kinh doanh

5/5 - (15 bình chọn)