Thời hạn góp vốn khi tăng vốn điều lệ?

  • Tác giả: Ngọc Lan |
  • Cập nhật: 18/03/2024 |
  • Tư vấn doanh nghiệp |
  • 850 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hiện hành, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, các công ty khi có nhu cầu đều có thể được tăng vốn điều lệ để phục vụ những mục đích nhất định của công ty như là nâng cao quy mô công ty.

Vậy công ty có thể tăng vốn điều lệ với hình thức nào, thời hạn góp vốn khi tăng vốn điều lệ là bao lâu? Cùng tìm hiểu qua những nội dung dưới đây:

Hình thức tăng vốn điều lệ như thế nào?

Vốn điều lệ là tổng số vốn do các thành viên trong công ty TNHH một thành viên, hai thành viên trở lên, công ty hợp danh hoặc cổ đông trong công ty cổ phần góp hoặc cam kết sẽ góp khi thành lập công ty trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ công ty. Pháp luật hiện hành cho phép doanh nghiệp có thể tăng hoặc giảm vốn điều lệ tùy vào nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo quy định của luật Doanh nghiệp năm 2014, tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp thì có những hình thức tăng vốn điều lệ khác nhau.

Đối với công ty cổ phần, Điều 122 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán các cổ phần đó trong quá trình hoạt động để tăng vốn điều lệ”. Theo đó thì chào bán cổ phần có thể thực hiện theo các hình thức sau:

– Chào bán cho các cổ đông hiện hữu: Cổ đông hiện hữu là cổ đông hiện tại đang nắm giữ phần vốn góp trong công ty. Đây là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty.

– Chào bán ra công chúng. Đây cũng là hình thức huy động vốn bên ngoài công ty nhưng mang tính riêng lẻ. Theo quy định của luật chứng khoán hình thức chào bán ra công chúng là chào bán chứng khoán cho các nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp như công ty tài chính một số lượng lớn hoặc sử dụng các phương thức như quảng cáo hay mời chào có tính chất rộng rãi ra công chúng.

– Chào bán cổ phần riêng lẻ. Theo quy định của Luật Chứng khoán, hình thức này là việc công ty tổ chức chào bán chứng khoán cho ít hơn một trăm nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet.

Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty có thể tăng vốn điều lệ dưới hình thức sau đây:

– Tăng vốn góp của thành viên: Việc tăng vốn góp của thành viên công ty là một trong những quyền ưu tiên các thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên và thành viên của công ty hợp danh (thành viên hợp danh và thành viên góp vốn) góp thêm vốn của mình để tăng vốn điều lệ.

– Tiếp nhận vốn góp của thành viên mới. Đây là một trong những con đường để công ty có thể mở rộng thị trường, về khả năng tài chính cũng như tang cường sự gia nhập của người khác vào công ty. Công ty sẽ tiếp nhận thêm thành viên mới góp vốn vào công ty và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ phần vốn góp của mình đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty, trừ trường hợp thành viên đó và các thành viên còn lại có thỏa thuận khác.

Đối với công ty TNHH một thành viên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 thì Công ty TNHH một thành viên sẽ có thể thực hiện việc tăng vốn điều lệ của mình bằng 2 cách sau:

– Chủ sở hữu tiến hành đầu tư thêm để tăng thêm vốn điều lệ.

– Công ty huy động thêm phần vốn góp của các cá nhân, tổ chức khác. Lưu ý là trong trường hợp này, công ty cần tiến hành thủ tục chuyển đổi sang loại hình công ty khác.

Thời hạn góp vốn khi tăng vốn điều lệ bao lâu?

Trước đây, Luật Doanh nghiệp 2005 quy đinh thời hạn góp vốn khi tăng vốn điều lệ tùy vào mỗi loại hình doanh nghiệp thì có khoảng thời gian khác nhau, hiện nay Luật Doanh nghiệp 2014 quy đinh chung thời hạn thanh toán đầy đủ phần vốn góp của tất cả các loại hình công ty đều là 90 ngày kể từ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể là các quy định như sau:

– Đối với Công ty TNHH một thành viên và hai thành viên trở lên, khoản 2 Điều 74 và khoản 2 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định như sau: chủ sở hữu (trường hợp là công ty TNHH một thành viên), các thành viên (trường hợp là công ty TNHH hai thành viên trở lên) phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

– Đối với Công ty cổ phần, khoản 1 Điều 112 Luật Doanh ngiệp quy định như sau: Trong trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Mức xử phạt hành chính khi chậm góp vốn điều lệ khi tăng?

Theo như quy định của pháp luật thì không quy định rõ khoảng thời gian thực tế doanh nghiệp phải hoàn tất xong việc góp vốn của các thành viên khi tăng vốn điều lệ công ty. Nhưng trên thực tế sau khi thỏa thuận về thời hạn góp vốn điệu lệ, doanh nghiệp phải thực hiện việc thông báo lên phòng đăng ký kinh doanh.

Các thành viên hay các cổ đông không thực hiện, hay thực hiện không hết việc góp vốn để tăng vốn điều lệ như các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng góp vốn thì phải chịu trách nhiệm pháp lý theo hợp đồng và pháp luật về Doanh nghiệp như: Thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên với công ty (Nếu là thành viên công ty hợp danh); Thành viên góp vốn vi phạm có thể bị khai trừ khỏi công ty, không còn là thành viên, cổ đông của công ty (nếu không góp vốn theo như đã cam kết), phạt vi phạm, bồi thường thiệt hạ; v.v…

Ngoài ra, Nghị định số 50/2016/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính khi chậm góp vốn điều lệ cụ thể như sau:

+ Phạt tiền từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký, và doanh nghiệp buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ;

+ Phạt tiền từ 10 000 000 – 15 000 000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, v.v…

Quý vị còn thắc mắc về Thời hạn góp vốn khi tăng vốn điều lệ trong trường hợp cụ thể, vui lòng liên hệ Công Ty Luật Hoàng Phi theo số 1900 6560 để được hỗ trợ.

5/5 - (5 bình chọn)