Thành lập công ty cần những gì?

  • Tác giả: admin |
  • Cập nhật: 14/03/2023 |
  • Tư vấn doanh nghiệp |
  • 89 Lượt xem

Khi có nhu cầu thành lập công ty, chúng ta thường không biết nên bắt đầu từ đầu và có thắc mắc chung: Thành lập công ty cần những gì? Hiểu được điều này, Luật Hoàng Phi thực hiện bài viết với những chia sẻ giúp Quý vị chuẩn bị cho mình những hành trang để thành lập công ty không chỉ đúng luật mà còn có nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai.

Những vấn đề cần lưu ý trước khi thành lập công ty

1/ Xác định có quyền thành lập công ty hay không?

Theo Điều 17 Luật Doanh nghiệp, nhìn chung các tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, ngoại trừ các trường hợp sau đây:

– Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

– Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

– Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Nếu trong những người thành lập công ty có người thuộc các trường hợp trên thì cần loại trừ khỏi những người thành lập công ty.

2/ Xác định ngành nghề kinh doanh cho công ty

Xác định ngành nghề kinh doanh là một trong những bước đầu tiên cần chuẩn bị để thành lập công ty. Bởi mặc dù cá nhân, tổ chức được tự do trong quyết định ngành nghề kinh doanh (không thuộc những trường hợp pháp luật có quy định cấm, hạn chế), tuy nhiên, khi đã chọn thành lập công ty kinh doanh ngành nghề nào, Quý vị phải đáp ứng được những quy định tương ứng của ngành nghề đó. Nếu ngành nghề đó là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì Quý vị cần có sự chuẩn bị để đáp ứng được những điều kiện này.

Ví dụ: Công ty môi giới bất động sản phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản

Công ty không bị giới hạn về số ngành nghề kinh doanh. Do đó, ngoài các ngành nghề kinh doanh chính, Quý vị có thể bổ sung thêm các ngành nghề kinh doanh có liên quan, có khả năng hoạt động trong tương lai để tránh việc phải bổ sung ngành nghề kinh doanh trong quá trình hoạt động.

3/ Lựa chọn loại hình công ty phù hợp

Dựa vào số lượng thành viên góp vốn, nhu cầu về tổ chức, quy mô và khả năng huy động vốn, Quý vị có thể lựa chọn một trong các loại hình công ty dưới đây:

– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do 01 cá nhân hoặc 01 tổ chức làm chủ, chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp.

– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên từ 2 – 50 cá nhân/tổ chức góp vốn thành lập công ty, chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp.

– Công ty cổ phần là loại hình có tối thiểu từ 3 cổ đông trở lên. Không giới hạn tối đa số lượng cổ đông, chịu trách nhiệm hữu hanh trong phạm vi cổ phần sở hữu.

– Công ty hợp danh phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn.

4/ Đặt tên công ty

Tên công ty phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty. Tên công ty phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do công ty phát hành. Tên công ty là yếu tố cơ bản giúp phân biệt các công ty với nhau. Tên công ty theo quy định pháp luật doanh nghiệp có thể gồm tên tiếng Việt, tên nước ngoài và tên viết tắt. Trong đó:

Tên tiếng Việt của công ty được cấu thành bởi hai thành tố:

– Loại hình công ty:  được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh

– Tên riêng: được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

Lưu ý về những điều cấm trong đặt tên công ty:

+ Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 của Luật Doanh nghiệp.

– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

– Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.

5/ Chuẩn bị về vốn nếu pháp luật chuyên ngành có quy định số vốn cần đáp ứng

Số vốn này là vốn pháp định – số vốn tối thiểu cần đáp ứng để kinh doanh một ngành, nghề nào đó. Quý vị cần tham khảo kỹ quy định pháp luật chuyên ngành để có thông tin chính xác.

Thủ tục thành lập công ty

Ngoài những yếu tố cần chuẩn bị trước khi thành lập công ty thì Quý vị còn cần lưu ý đến các nội dung trong quá trình thành lập công ty, cụ thể:

Về cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ:

Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở.

– Về hồ sơ cần chuẩn bị:

Tùy vào loại hình công ty, hồ sơ yêu cầu những tài liệu, giấy tờ khác nhau, cụ thể:

1/ Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Danh sách thành viên.

– Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

2/ Hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Danh sách thành viên.

– Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

+ Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

3/ Hồ sơ đăng ký công ty cổ phần

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

– Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

+ Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

– Về mức phí nhà nước:

Quý vị tham khảo Biểu phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp (Ban hành kèm theo Thông tư số 47/2019/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính):

Stt Nội dung Đơn vị tính Mức thu
1 Lệ phí đăng ký doanh nghiệp (bao gồm: Cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) Đồng/lần 50.000
2 Phí cung cấp thông tin doanh nghiệp
a Cung cấp thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh Đồng/bản 20.000
b Cung cấp thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; Cung cấp báo cáo tài chính các loại doanh nghiệp Đồng/bản 40.000
c Cung cấp báo cáo tổng hợp về doanh nghiệp Đồng/báo cáo 150.000
d Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp Đồng/lần 100.000
đ Cung cấp thông tin doanh nghiệp theo tài khoản từ 125 bản/tháng trở lên Đồng/tháng 4.500.000

– Về quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ của cơ quan nhà nước:

Trường hợp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 3 ngày làm việc.

Nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo cho người thành lập doanh nghiệp biết bằng văn bản trong thời hạn 3 ngày làm việc.

Những công việc cần làm sau khi thành lập công ty

Để đảm bảo hoạt động công ty, sau thành lập, Quý vị cần lưu ý đến vấn đề một số vấn đề: đăng công bố thông tin doanh nghiệp, khắc dấu, mở tài khoản ngân hàng, mua chữ ký số, hóa đơn điện tử, khai vào nộp thuế ban đầu, kê khai tham gia bảo hiểm cho người lao động, treo bảng hiệu, hoàn thiện điều kiện chứng chỉ (nếu có),…

Như vậy, qua những chia sẻ về Thành lập công ty cần những gì? trên đây của chúng tôi, Quý vị có thể thấy: thành lập công ty cần chuẩn bị rất nhiều yếu tố và đòi hỏi người thực hiện cần nắm rõ quy định pháp luật để tránh sai sót. Để hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn trong thành lập công ty, Luật Hoàng Phi cung cấp tới Quý vị dịch vụ thành lập doanh nghiệp trọn gói giúp đảm bảo kết quả nhanh chóng với mức chi phí hợp lý. Để được hỗ trợ dịch vụ, Quý vị có thể liên hệ tới hotline 0981.378.999. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ!

->>> Tham khảo thêm: Thành lập công ty tại Hà Nội

->>> Tham khảo thêm: Thành lập công ty tại Hồ Chí Minh