Tạm ngừng kinh doanh có phải thông báo cơ quan thuế hay không?

  • Tác giả: admin |
  • Cập nhật: 05/06/2023 |
  • Tư vấn pháp luật |
  • 140 Lượt xem
5/5 - (17 bình chọn)

Tạm ngừng kinh doanh là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh sau khi doanh nghiệp đã thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh về việc tạm ngừng kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp phải thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có phải thông báo cơ quan thuế hay không? Có lẽ đây là thắc mắc của rất nhiều người. Vậy hãy theo dõi bài viết dưới đây để có lời giải đáp.

Tạm ngừng kinh doanh là gì?

Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP định nghĩa về tạm ngừng kinh doanh như sau: Tạm ngừng kinh doanh là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh sau khi doanh nghiệp đã thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh về việc tạm ngừng kinh doanh.

Ngày doanh nghiệp chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Còn ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh phải thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt địa chỉ trụ sở chính chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Điều kiện tạm ngừng kinh doanh

Khi công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp có thể cân nhắc về việc tạm ngừng kinh doanh. Việc tạm ngừng kinh doanh là quyền của doanh nghiệp, nó tương tự như quyền được đăng ký họat động, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp. Tuy nhiên để có thể thực hiện việc tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp cần phải đáp ứng những điều kiện sau:

Thứ nhất: Mã số thuế, mã số doanh nghiệp không bị tạm khóa hoặc có văn bản hạn chế thay đổi của Cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc của Cơ quan đăng ký kinh doanh. Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp nợ thuế, không kê khai, không nộp báo cáo thuế hoặc khai, nộp báo cáo thuế không đúng thời hạn do luật định hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng doanh nghiệp chưa khắc phục hậu quả nên buộc Cơ quan thuế, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải tạm khóa mã số thuế, mã số doanh nghiệp.

Thứ hai: Trước khi tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp không bị treo hồ sơ hoặc chưa hoàn tất các hồ sơ liên quan khác trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: Ví dụ, doanh nghiệp đang tiến hành thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại  Cơ quan đăng ký kinh doanh. Hồ sơ chưa được chấp thuận và doanh nghiệp đang phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Trong trường hợp này doanh nghiệp sẽ không thể tiến hành thủ tục tạm ngừng kinh doanh.

Thứ ba: Điều kiện tiếp theo là doanh nghiệp đã hoàn tất việc tạm ngừng kinh doanh của các đơn vị trực thuộc, như chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

Nếu đáp ứng các điều kiện trên, trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh công ty, doanh nghiệp gửi thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh về việc tạm ngừng kinh doanh. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy xác nhận về việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.

Tạm ngừng kinh doanh có phải thông báo cơ quan thuế hay không?

Tạm ngừng kinh doanh có phải thông báo cơ quan thuế hay không? có lẽ đây là câu hỏi thắc mắc của rất nhiều người. Điều 12 Thông tư 105/2020/TT-BTC quy định: Khi doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện thông báo theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 37 Luật Quản lý thuế, Điều 4 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và các quy định sau đây: “1. Tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh thực hiện gửi Thông báo mẫu số 23/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo thời hạn quy định tại Điểm c Khoản 1, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Dẫn chiếu đến Khoản 1, Khoản 2 Điều 37 Luật Quản lý thuế 2019: “Điều 37. Thông báo khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh

  1. Tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh tạm ngừng hoạt động, kinh doanh có thời hạn hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn đã thông báo theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan thì cơ quan thuế căn cứ vào thông báo của người nộp thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quản lý thuế trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn theo quy định của Luật này.
  2. Tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh thì thực hiện thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 01 ngày làm việc trước khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn đã thông báo để thực hiện quản lý thuế.”

Và Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP: “1. Căn cứ xác định thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh:

  1. a) Đối với người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế là thời gian tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã được cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã ghi nhận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã. Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã gửi thông tin đăng ký tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử qua hệ thống trao đổi thông tin về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế trong thời hạn 01 ngày làm việc hoặc chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã ghi nhận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã.
  2. b) Đối với người nộp thuế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, thông báo hoặc yêu cầu tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế là thời gian được ghi trên văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi văn bản cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế chậm nhất trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ban hành văn bản.
  3. c) Đối với người nộp thuế là tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Quản lý thuế thì thực hiện thông báo tạm ngừng hoạt động, kinh doanh đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 01 ngày làm việc trước khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh. Cơ quan thuế có thông báo xác nhận gửi người nộp thuế về thời gian người nộp thuế đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh chậm nhất trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của người nộp thuế. Người nộp thuế được tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không quá 1 năm đối với 1 lần đăng ký. Trường hợp người nộp thuế là tổ chức, tổng thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không quá 2 năm đối với 2 lần đăng ký liên tiếp.

Từ các quy định trên, có thể thấy, khi doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh sẽ không phải thông báo cho cơ quan thuế. Bởi lẽ khi nhà đầu tư hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp sẽ phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Do đó, doanh nghiệp sẽ chỉ phải thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh về việc tạm ngừng kinh doanh.

Sau khi hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp được chấp thuận, tình trạng pháp lý của doanh nghiệp sẽ được ghi nhận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ có trách nhiệm gửi thông tin đăng ký tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp bằng phương thức điện tử qua hệ thống trao đổi thông tin về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế trong thời hạn 01 ngày làm việc hoặc chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày Cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan thuế căn cứ vào thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quản lý thuế trong thời gian doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.

Công Ty Luật Hoàng Phi chia sẻ bài viết “Tạm ngừng kinh doanh có phải thông báo cơ quan thuế hay không” mà chúng tôi gửi đến bạn đọc. Hi vọng những thông tin nêu trên hữu ích đối với Qúy độc giả.

->>> Tham khảo thêm: Thay đổi ngành nghề kinh doanh

->>> Tham khảo thêm: Thành lập địa điểm kinh doanh

5/5 - (17 bình chọn)