Sự kiện bất khả kháng là gì?

  • Tác giả: Phương Thảo |
  • Cập nhật: 13/08/2021 |
  • Tư vấn pháp luật |
  • 743 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Khi tham gia vào các giao dịch dân sự hay hợp đồng thương mại, các bên khi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng đều phải bồi thường hay phạt vi phạm đối với hành vi đó. Tuy nhiên, pháp luật có dự liệu các trường hợp mà các bên vi phạm được miễn trách nhiệm trong đó có sự kiện bất khả kháng. Vậy sự kiện bất khả kháng là gì? Như thế nào được coi là sự kiện bất khả kháng? Qua bài viết sau đây, TBT xin gửi thông tin tới quý vị:

Sự kiện bất khả kháng là gì?

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan ngoài ý chí của con người không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép theo Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015 định nghĩa.

Sự kiện bất khả kháng xảy ra sau khi ký hợp đồng, nằm ngoài ý muốn, không do lỗi của bất kỳ bên tham gia hợp đồng nào và cũng không thể dự đoán trước, cũng như không thể tránh và khắc phục được, dẫn đến việc không thể thực hiện hoặc không thể thực hiện đúng không đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng.

Sự kiện bất khả kháng có thể là những hiện tượng do thiên nhiên gây ra (lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần…), hiện tượng xã hội (chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của chính phủ…), hay trong thực tiễn, các bên trong hợp đồng còn thỏa thuận những sự kiện như là: thiếu nguyên vật liệu, mất điện, lỗi mạng vi tính, bên cung cấp chậm trễ giao hàng, cháy nổ,…

Ví dụ về sự kiện bất khả kháng?

Ví dụ 1: Ngày 18/10/2018, Công ty Mitsui và Công ty Thành Long ký kết với nhau một hợp đồng, theo đó, Công ty Thành Long tiến hành may một lô hàng gồm 1000 chiếc áo sơ mi nam theo thiết kế và quy cách của Công ty Mitsui, Công ty Mitsui trả thù lao cho Công ty Thành Long. Ngày 20/10/2018, do ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 7, nhà xưởng của Công ty Thành Long bị sập dẫn đến việc không thể thực hiện may lô hàng đó được. Đây là sự kiện bất khả kháng, nằm ngoài ý chí chủ quan và Công ty Thành Long không thể lường trước được.

Ví dụ 2: Công ty A (Bắc Ninh) ký kết hợp đồng mua bán thiết bị, linh kiện điện tử với công ty B (Hà Nội). Theo đó, công ty A vừa cung cấp linh kiện vừa tiến hành giao hàng cho công ty B. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID 19 bùng phát, cả nước phải tiến hàng dãn cách xã hội và việc kiểm soát qua lại giữa các vùng càng chở nên chặt chẽ hơn khiến cho công ty A chậm thực hiện giao hàng gây tổn thất lớn cho công ty B. Đây là một sự kiện bất khả kháng mà theo đó công ty A không phải bồi thường cho công ty B nếu chứng minh được do sự kiện bất khả kháng gây ra và đã dùng mọi biện pháp để khắc phục.

Điều kiện để sự kiện coi là bất khả kháng

Hiểu được khái niệm sự kiện bất khả kháng là gì? Song không phải ai cũng xác định đúng một sự kiện trên thực tế là sự kiện bất khả kháng. Pháp luật Việt Nam miễn trách nhiệm cho bên vi phạm hợp đồng khi xảy ra sự kiện bất khả kháng đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất: Là sự kiện khách quan nằm ngoài sự kiểm soát và ý chí của các bên trong hợp đồng như các hiện tượng thiên tai; dịch bệnh; các sự kiện chính trị, xã hội; hay do các bên thỏa thuận, v.v…

Thứ hai: Là sự kiện xảy ra mà các bên không thể dự đoán trước được. Việc đánh giá xem xét đánh giá một sự kiện có xảy ra hay không thì được xem xét từ vị trí một người bình thường chứ không phải một chuyên gia chuyên sâu như dự đoán thiên tai, dự đoán khủng bố, v.v….

Thứ ba: Chủ thể của bên mà sự kiện bất khả kháng gây ra để lại hậu quả mà không thể khắc phục được dù họ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Và đồng thời bên vi phạm phải chứng minh được việc đã thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả vẫn không khắc phục được hậu quả.

->>>> Tham khảo thêm : Phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu

Quyền chấm dứt hợp đồng khi xảy ra sự kiện bất khả kháng

Khi có sự kiện bất khả kháng mà gây ra hậu quả một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thì các bên còn lại có thể đưa ra các giải pháp như: kéo dài thời gian thực hiện, hay chấm dứt hợp đồng.

Theo quy định tại Điều 296 của Luật Thương mại Việt Nam năm 2005, các bên có thể thỏa thuận về việc gia hạn thời hạn thực hiện hợp đồng. Nếu hết hạn và sự kiện bất khả kháng vẫn kéo dài thời gian thì các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại. Việc từ chối phải thông báo cho bên kia biết trước khi bên kia bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng trong thời gian 10 ngày.

Hoặc theo khoản 2 Điều 351 BLDS 2015 Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” và khoản 1 Điều 294 Luật thương mại thì theo đó các bên vi phạm nghĩa vụ khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì được miễn trách nhiệm. Hoặc sau khi xảy ra sự kiện này, nếu các bên không thỏa thuận được thời hạn gia hạn, hợp đồng sẽ mặc nhiên chấm dứt do một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

Các bên tham gia giao kết hợp đồng cần xem xét và có các điều khoản đã được cam kết như:

– Hậu quả sau khi xảy ra sự kiện bất khả kháng;

– Nghĩa vụ thông báo của bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng;

– Điều khoản về hạn hợp đồng theo thời hạn mà hai bên thỏa thuận;

– Quyền chấm dứt hợp đồng của một trong các bên kể từ khi hết thời hạn gia hạn hợp đồng mà vẫn diễn ra sự kiện.

Qua bài viết, nếu Quý vị còn những thắc mắc khác liên quan đến sự kiện bất khả kháng như sự kiện bất khả kháng là gì? Đừng ngần ngại liên hệ TBT Việt Nam để được tư vấn theo số 1900 6560.

>>>> Tham khảo thêm: Dịch bệnh Covid có phải là sự kiện bất khả kháng?

5/5 - (5 bình chọn)