Sàn giao dịch thương mại điện tử là gì?

  • Tác giả: admin |
  • Cập nhật: 26/04/2022 |
  • Tư vấn pháp luật |
  • 175 Lượt xem
5/5 - (22 bình chọn)

Hiện nay, việc mua bán, kinh doanh, trao đổi trên internet đã không còn quá xa lạ. Để đáp ứng nhu cầu và phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, các doanh nghiệp tham gia kinh doanh, buôn bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và thu về các khoản lợi nhuận không hề nhỏ.

Vậy Sàn giao dịch thương mại điện tử là gì? Những quy định của pháp luật về sàn giao dịch thương mại điện tử? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có lời giải đáp.

Tìm hiểu về Thương mại điện tử và Hoạt động thương mại điện tử

Thương mại điện tử được hiểu là hoạt động mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ thông qua các hệ thống điện tử như Internet và các mạng máy tính.

Sau một khoảng thời gian xuất hiện tại Việt Nam, các hoạt động thương mại điện tử đã chính thức được pháp luật ghi nhận tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP (Sau đây gọi tắt là “Nghị định 52/2013/NĐ-CP”).

Theo đó, Khoản 1 Điều 3 Nghị Định 52/2013/NĐ-CP quy định: Hoạt động thương mại điện tử được hiểu là hoạt động tiến hành toàn bộ hoặc một phần quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng di động viễn thông hoặc các mạng mở khác.

Sàn giao dịch dịch thương mại điện tử là gì?

Căn cứ Nghị định 53/2013/NĐ-CP, có thể hiểu, Sàn giao dịch thương mại điện tử (Sàn giao dịch TMĐT) là một website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu của website có thể tiến hành toàn bộ hoặc một phần quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên website đó.

Có thể kể đến một số sàn giao dịch TMĐT đang vô cùng thịnh hành tại Việt Nam hiện nay như: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki…

Các hình thức hoạt động của sàn giao dịch TMĐT

Căn cứ Nghị định 52/2013/NĐ-CP, sàn giao dịch TMĐT có thể hoạt động dưới các hình thức sau:

– Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

– Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng;

– Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;

– Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động nêu trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.

Một số đặc trưng của sàn giao dịch TMĐT

Thứ nhất về đặc trưng cơ bản của sàn giao dịch TMĐT: Các phương thức giao dịch tại các sàn giao dịch TMĐT rất phong phú, bao gồm cả những phương thức mua bán thực và giao dịch khống; Sàn giao dịch điện tử thiết lập các quy tắc cho thành viên của mình và có thể áp dụng các hình thức thưởng phạt đối với các thành viên vi phạm; Số lượng những người mua, người bán, nhà cung cấp tham gia rất lớn; Những người tham gia có thể vừa là người mua và người bán và có quyền tự do khai thác cơ hội mua bán hàng hóa dịch vụ; Thể hiện quan hệ cung cầu hàng hóa của thị trường; Giá hình thành trên sàn giao dịch là giá chung cho thị trường.

Thứ hai về đặc trưng riêng: Các quy trình mua bán đều thực hiện trực tuyến trên internet; Người mua, người bán có thể tham gia các giao dịch mua bán tại sàn giao dịch vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu trên thế giới; Chủng loại hàng hóa và dịch vụ mua bán rất đa dạng và phong phú, bao gồm cả hàng hóa hữu hình lẫn hàng hóa vô hình.

Ý nghĩa của Sàn giao dịch TMĐT

Với chức năng là một cầu nối giữa các thương nhân, tổ chức, cá nhân buôn bán hàng hóa/cung ứng dịch vụ với khách hàng, Sàn giao dịch TMĐT không chỉ đem lại lợi ích cho thương nhân kinh doanh mà còn là môi trường không thể thiếu để người tiêu dùng được tự do lựa chọn mua sắm một cách nhanh chóng, tiện ích.

Thứ nhất, đối với người tiêu dùng:

– Sàn giao dịch TMĐT mang đến cho khách hàng một phong cách mua hàng mới, phong cách mua hàng trực tiếp qua mạng, vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm được chi phí đi lại, giảm bớt ách tắc giao thông;

– Khách hàng có phạm vi lựa chọn mặt hàng rộng rãi, phong phú hơn;

– Khách hàng có thể giao dịch trực tiếp với người sản xuất, bỏ qua nhiều khâu trung gian nên có thể mua hàng với giá cả rẻ hơn và nhanh hơn;

– Hình thức thanh đoán đa dạng, dễ tiến hành như thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng, thanh toán qua thẻ ngân hàng, qua các ứng dụng,…;

Thứ hai, đối với các thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh:

– Mở rộng hệ thống khách hàng và khả năng tiếp cận với thị trường thế giới;

– Tăng doanh số bán hàng từ những khách hàng hiện tại, từ các dịch vụ tạo ra giá trị khác;

– Tạo điều kiện thuận lợi về không gian và thời gian trong việc thiết lập và củng cố các mối quan hệ kinh doanh;

– Tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể truyền bá, phổ biến hình ảnh, nhãn hiệu, sản phẩm, doanh nghiệp với các bạn hàng quốc tế; Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Một số quy định của pháp luật về sàn giao dịch TMĐT

Như đã nêu trên, quy định của pháp luật về giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử được quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Theo đó, pháp luật quy định về một số vấn đề liên quan đến sàn giao dịch TMĐT như sau:

Những hành vi bị cấm trong hoạt động sàn giao dịch TMĐT

Bởi đây là một trong những môi trường kinh doanh phổ biến, có nhiều vấn đề phát sinh nên nhà nước ta đã có những quy định về những hành vi bị cấm trong hoạt động sàn giao dịch TMĐT. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, pháp luật quy định cấm về các hành vi vi phạm đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử bao gồm:

– Lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

– Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh;

– Lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;

– Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử khi chưa đăng ký theo các quy định của pháp luật;

– Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử không đúng với thông tin trong hồ sơ đăng ký hoặc cấp phép;

– Khi chưa tiến hành đăng ký hoặc được cấp phép mà tiến hành cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát , đánh giá, chứng thực;

– Có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thực hiện các thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử, đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, đăng ký các dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử.

Thứ hai, pháp luật cấm các hành vi vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử. Theo đó, các hành vi đó bao gồm:

– Giả mạo thông tin đăng ký hoặc không tuân thủ các quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin đăng ký trên website thương mại điện tử;

– Sử dụng biểu trưng của các chương trình đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử khi chưa được những chương trình này công nhận;

– Sử dụng các đường dẫn, biểu trưng hoặc công nghệ khác trên website thương mại điện tử để gây nhầm lẫn về mối liên hệ với thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;

– Sử dụng đường dẫn để cung cấp những thông tin trái ngược hoặc sai lệch so với thông tin được công bố tại khu vực website có gắn đường dẫn này.

Thứ ba, các hành vi bị cấm về giao dịch trên website thương mại điện tử như:

– Thực hiện các hành vi lừa đảo người tiêu dùng trên sàn giao dịch thương mại điện tử;

– Giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử;

– Can thiệp vào hệ điều hành và trình duyệt Internet tại các thiết bị điện tử truy cập vào website nhằm buộc khách hàng lưu lại website trái với ý muốn của mình.

Thứ tư, các hành vi vi phạm khác được quy định tại Khoản 4 Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP

Điều kiện để đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử

Để có thể thiết lập website sàn giao dịch thương mại điện tử (bán hàng và cung ứng dịch vụ) và tiến hành các hoạt động kinh doanh trên đó thì thương nhân, tổ chức cần đáp ứng các điều kiện sau:

Một là, phải là thương nhân, tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân;

Hai là, có đề án cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong đó nêu rõ các nội dung sau:

+ Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến; hoạt động logistics đối với hàng hóa;

+ Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ;

– Đã thông báo hoặc đăng ký thiết lập website thương mại điện tử bán hàng hoặc website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký thành công.

Trên đây chúng tôi mang tới cho Quý khách hàng những thông tin cần thiết liên quan đến Sàn giao dịch thương mại điện tử. Để biết thêm thông tin chi tiết, Quý khách hàng đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua tổng đài tư vấn trực tuyến để được hỗ trợ tốt nhất.

 ->>>> Tham khảo thêm: Giấy phép mạng xã hội

 ->>>> Tham khảo thêm: Đăng ký khuyến mại

5/5 - (22 bình chọn)