Quyền Tự Do Thành Lập Doanh Nghiệp Nhà Đầu Tư Là Gì?

  • Tác giả: admin |
  • Cập nhật: 28/03/2024 |
  • Tư vấn doanh nghiệp |
  • 803 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Ở giai đoạn gia nhập thị trường, quyền tự do thành lập doanh nghiệp là quyền quan trọng của nhà đầu tư. Trừ các trường hợp bị cấm, tổ chức, cá nhân (gọi chung là nhà đầu tư) có quyền đầu tư vốn bằng tiền, hiện vật hay tài sản khác để thành lập doanh nghiệp và có quyền quyết định mọi vấn đề, từ khâu lựa chọn loại hình doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, đến việc tổ chức hoạt động và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp…

Thành lập doanh nghiệp là gì? Quyền tự do thành lập doanh nghiệp là một bộ phận quan trọng của quyền tự do kinh doanh, theo đó, tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hình thức “doanh nghiệp” để thực hiện ý tưởng và mục đích kinh doanh của mình với những lựa chọn phù hợp về loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, mức vốn đầu tư, tên doanh nghiệp, trụ sở và địa điểm kinh doanh…

Nội dung quyền tự do thành lập doanh nghiệp thể hiện qua các khía cạnh sau:

– Quyền được chọn loại hình doanh nghiệp để thực hiện ý tưởng, mục đích đầu tư kinh doanh 

Có nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau về số lượng chủ đầu tư (một hay nhiều nhà đầu tư cũng góp vốn), khác nhau về quy mô kinh doanh (vốn đầu tư lớn hay nhỏ), về tính chất liên kết, về mục tiêu hoạt động (mục lợi nhuận hay có sự kết hợp thực hiện mục tiêu xã hội)… Tuỳ thuộc vào mục đích và ý tưởng đầu tư, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn loại hình doanh nghiệp cụ thể được pháp luật thừa nhận như: công ti TNHH, CTCP, DNTN, công ti hợp danh… Trường hợp có mục tiêu hoạt động là giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, vì lợi ích cộng đồng, nhà đầu tư có quyền lựa chọn đăng ký doanh nghiệp xã hội để hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước dành cho doanh nghiệp xã hội. Cần lưu ý rằng, doanh nghiệp xã hội, DNNN, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không phải là những loại hình doanh nghiệp độc lập mà chúng thuộc một trong số những loại hình doanh nghiệp đã liệt kê trên đây.

Những khái niệm riêng như doanh nghiệp xã hội, DNNN, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ có ý nghĩa nhận diện và phân biệt doanh nghiệp theo đặc thù về mục tiêu hoạt động hay đặc thù về nhà đầu tư của doanh nghiệp. Cụ thể là: Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước đầu tư toàn bộ vốn điều lệ, hoạt động theo mô hình công ti TNHH một thành viên; doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có một phần hay toàn bộ vốn đầu tư do tổ chức, cá nhân nước ngoài đóng góp.

Cả hai loại doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có thể được đăng kí thành lập theo mô hình công ti TNHH, CTCP, DNTN, công ty hợp danh.

Nhà đầu tư (trong nước và nước ngoài) thực hiện quyền tự do lựa chọn trong phạm vi những loại hình doanh nghiệp đã được pháp luật Việt Nam quy định. Ví dụ: ở thời điểm những năm 90 (1990 – 1999), nhà đầu tư không thể lựa chọn loại hình công ti TNHH một thành viên vì khi đó Luật Công ty năm 1990 không quy định về loại công ti này.

– Quyền được lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực đầu tư kinh doanh 

Nhà đầu tư quyết định lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp. Phạm vi lựa chọn là tất cả ngành nghề kinh doanh không thuộc danh mục bị cấm kinh doanh. Hiến pháp của Việt Nam, Luật Doanh nghiệp,? Luật Đầu tư đều khẳng định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề pháp luật không cấm. Hiện nay, ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh được quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014, được sửa đổi, bổ sung năm 2016 (những ngành nghề này được phân tích cụ thể ở mục II Chương này).

– Quyền được lựa chọn quy mô kinh doanh, lựa chọn số lượng doanh nghiệp để thành lập 

Quy mô kinh doanh thể hiện trước hết qua mức vốn đầu tư và số lượng lao động được sử dụng. Trừ một số ngành nghề cần đáp ứng quy định về mức vốn tối thiểu (vốn pháp định), nhà đầu tư hoàn toàn chủ động quyết định mức vốn đầu tư lớn hay nhỏ, quy mô sử dụng lao động nhiều hay ít, không bị hạn chế mức tối thiểu, tối đa. Quy mô kinh doanh còn thể hiện ở việc nhà đầu tư được thành lập hoặc góp vốn thành lập nhiều doanh nghiệp, thành lập các tổ hợp kinh doanh theo mô hình công ty mẹ – công ti con ở dạng tổng công ti, tập đoàn kinh tế.

Quyền này chỉ bị hạn chế đối với việc thành lập cùng lúc nhiều doanh nghiệp trách nhiệm vô hạn, ví dụ: pháp luật hiện hành không cho phép một người thành lập hai hoặc nhiều DNTN. •

– Quyền được lựa chọn tên doanh nghiệp, nơi đặt trụ sở doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh 

– Tên doanh nghiệp do nhà đầu tư lựa chọn khi thành lập doanh nghiệp và thực hiện kế hoạch phát triển thương hiệu trong quá trình hoạt động. Để tránh nhầm lẫn cho khách hàng và tránh nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, doanh nghiệp thành lập sau không được phép trùng tên hay sử dụng tên gây nhầm lẫn với doanh nghiệp đã thành lập hợp pháp trước đó.

Trụ sở doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh hiển thị yếu tố địa bàn đầu tư kinh doanh. Tùy thuộc tính chất dự án đầu tư và ngành nghề kinh doanh, nhà đầu tư quyết định lựa chọn địa bàn đầu tư phù hợp, song phải loại trừ một số địa bàn bị cấm hoạt động kinh doanh do các nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công cộng, an ninh môi trường.

 

5/5 - (5 bình chọn)