Phiếu lý lịch tư pháp số 2 là gì?

  • Tác giả: Phương Thảo |
  • Cập nhật: 21/03/2022 |
  • Tư vấn pháp luật |
  • 596 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Phiếu lý lịch tư pháp số 2 là gì?

Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định về phiếu lý lịch tư pháp số 2 như sau:

Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

– Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 2

– Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, họ, tên cha, mẹ, vợ, chồng của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

– Tình trạng án tích:

+ Đối với người không bị kết án thì ghi là “không có án tích”;

+ Đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xoá, thời điểm được xoá án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Toà án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án.

Trường hợp người bị kết án bằng các bản án khác nhau thì thông tin về án tích của người đó được ghi theo thứ tự thời gian.

– Thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:

+ Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;

+ Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Mục đích xin phiếu lý lịch tư pháp số 2?

Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

Từ cơ sở trên, ta xác định mục đích xin cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 của các chủ thể là:

– Chứng minh cá nhân có hay không có án tích, đã được xóa hay chưa được xóa án tích, có bị cấm đảm nhiệm các chức vụ, cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xác khi bị Tòa án tuyên bố phá sản hay không.

– Ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng.

– Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự.

– Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thời gian cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2?

Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp 2009 ghi nhận về thời gian cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2. Cụ thể:

1. Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật này, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật này thì thời hạn không quá 15 ngày.

2. Trường hợp khẩn cấp quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này thì thời hạn không quá 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu”.

Lưu ý:

– Khoản 3 Điều 44

“ Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Giám đốc Sở Tư pháp hoặc người được ủy quyền ký Phiếu lý lịch tư pháp và chịu trách nhiệm về nội dung của Phiếu lý lịch tư pháp.

Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu lý lịch tư pháp”.

– Khoản 1 Điều 46

“ Cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp gửi văn bản yêu cầu đến Sở Tư pháp nơi người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thường trú hoặc tạm trú; trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp hoặc người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì gửi văn bản yêu cầu đến Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia. Văn bản yêu cầu phải ghi rõ thông tin về cá nhân đó theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này.

Trong trường hợp khẩn cấp, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng có thể yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua điện thoại, fax hoặc bằng các hình thức khác và có trách nhiệm gửi văn bản yêu cầu trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp”.

– Điều 47

“ […] 2. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kể từ khi đủ 14 tuổi trở lên thì việc tra cứu thông tin lý lịch tư pháp được thực hiện tại Sở Tư pháp nơi tiếp nhận yêu cầu và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

3. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài thì việc tra cứu thông tin lý lịch tư pháp được thực hiện tại Sở Tư pháp nơi tiếp nhận yêu cầu và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.”

Lý lịch tư pháp số 2 có thời hạn bao lâu?

Luật Lý lịch tư pháp 2009 và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật hiện nay không có quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp số 2 . Tuy nhiên, tùy theo tính chất, lĩnh vực quản lý mà thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp số 2 được quy định khác nhau tại các văn bản pháp luật khác.

Ví dụ:

 – Điều 5 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 cũng quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi quy định về thời hạn có giá trị sử dụng của giấy tờ.

Trong đó, quy định: Phiếu Lý Lịch Tư Pháp của người nhận con nuôi trong nước… có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại UBND cấp xã. Phiếu Lý Lịch Tư Pháp của người nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài… có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.

Phiếu Lý Lịch Tư Pháp của người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 6 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.

– Ngoài ra, một số hồ sơ yêu cầu có Phiếu lý lịch tư pháp số 2 nhưng không quy định rõ thời hạn sử dụng là bao lâu như hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên hay hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư phải có Phiếu Lý lịch tư pháp.

->>> Tham khảo thêm : Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia

5/5 - (5 bình chọn)