Doanh nghiệp nợ thuế có được tạm ngừng kinh doanh không?

  • Tác giả: Ngọc Lan |
  • Cập nhật: 18/03/2024 |
  • Tư vấn doanh nghiệp |
  • 1105 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Nền kinh tế nước nhà đang ngày càng hội nhập và phát triển, kèm theo đó là những rủi ro khi bị ảnh hưởng khá nhiều từ sự biến động của nền kinh tế Thế giới.

Trong bối cảnh đó, không phải doanh nghiêp nào cũng đủ sức để có thể đứng vững được, ngoài con đường giải thể thì nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn cho mình cách khác là tạm ngừng kinh doanh.

Nhưng nhiều người còn chưa nắm rõ quy định của pháp luật về vấn đề này nên có những thắc mắc: Lý do tạm ngừng kinh doanh ở đây có thể được hiểu là gì? Nợ thuế có được tạm ngừng kinh doanh không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cần thiết này.

Lý do phải tạm ngừng kinh doanh?

Trước khi đi vào giải đáp: Nợ thuế có được tạm ngừng kinh doanh không? chúng tôi xin làm rõ khái niệm tạm ngừng kinh doanh và các lý do dẫn đến việc tạm ngừng kinh doanh.

Tạm ngừng kinh doanh có thể hiểu đơn giản là việc mà doanh nghiệp phải tạm thời dừng lại tất cả các hoạt động kinh doanh của mình bao gồm việc ký kết các hợp đồng, sản xuất hàng hóa… trong một khoảng thời gian nhất định.

Khoảng thời gian tạm ngừng này sẽ do doanh nghiệp tự quyết định và ghi vào thông báo tạm ngừng kinh doanh.

Tuy nhiên, khi tiến hành thủ tục tạm ngừng kinh doanh cần lưu ý phải tuân thủ theo quy định của pháp luật là không được tạm ngừng quá 1 năm, khi hết thời hạn tạm ngừng nếu doanh nghiệp cảm thấy chưa thể quay trở lại hoạt động thì có thể tiếp tục nộp thông báo tạm ngừng lần hai, nhưng phải đảm bảo tổng số thời gian tạm ngừng kinh doanh không được quá 2 năm.

Những lý do khiến doanh nghiệp phải đưa ra quyết định tạm ngừng kinh doanh là:

– Trong nhiều năm gần đây nền kinh tế Việt Nam ngày càng vươn lên để hội nhập với nền kinh tế Thế giới, điều này giúp nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, tuy nhiên Việt Nam cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự biến động, khủng hoảng trên thế giới.

Từ đó, kéo theo hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải pháp là tạm ngừng kinh doanh.

– Do doanh nghiệp thay đổi nhân sự, cơ cấu hoặc phải chuyển địa điểm công ty

– Khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không thu được lợi nhuận, doanh nghiệp không tiếp tục chống đỡ được nữa

– Khi hướng đi trước đó không còn phù hợp hoặc không thu được kết quả như mong muốn nên doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh để chuyển đổi sang ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực mới

Hậu quả pháp lý khi tạm ngừng kinh doanh?

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì tạm ngừng kinh doanh là quyền của doanh nghiệp, tuy nhiên quyền này chỉ được thực hiện khi doanh nghiệp đã hoàn tất xong các nghĩa vụ của mình đối với pháp luật như:

– Thông báo cho cơ quan về đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính,

– Thực hiện xong nghĩa vụ tài chính của mình bao gồm việc nộp đủ số thuế vẫn còn nợ,

– Thanh toán nợ lương và các khoản vay còn tồn đọng của doanh nghiệp…

Hậu quả pháp lý là những bất lợi mà cá nhân, tổ chức phải gánh chịu khi thực hiện những hành vi trái pháp luật.

Như vậy hậu quả pháp lý khi tạm ngừng kinh doanh sẽ xảy ra khi doanh nghiệp có những hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể ở đây là vi phạm về thời gian thông báo tạm ngừng kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Khi đó doanh nghiệp phải đối mặt với những hậu quả pháp lý sau:

– Có thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo Điều 211 Luật Doanh nghiệp 2014 thì khi doanh nghiệp tự ý tạm ngừng kinh doanh mà không có văn bản thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế thì có thể sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

– Ngoài ra có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Căn cứ theo Điều 32 Nghị định 50/2016/NĐ-CP thì doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng tùy từng trường hợp vi phạm.

Nợ thuế có được tạm ngừng kinh doanh không?

Theo Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2014 thì dù có đang trong thời gian tạm ngừng kinh doanh thì doanh nghiệp vẫn phải nộp đủ số thuế vẫn còn nợ, thanh toán hết các khoản nợ, các nghĩa vụ tài chính khác.

Như vậy, pháp luật không cấm việc doanh nghiệp đang nợ thuế thì không được tạm ngừng kinh doanh.

Ở đây doanh nghiệp vẫn được tạm ngừng kinh doanh, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo về khoảng thời gian thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Đồng thời sau khi nhận được xác nhận từ cơ quan đăng ký kinh doanh về việc tạm ngừng kinh doanh thì doanh nghiệp phải dừng lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình, không được ký kết hợp đồng, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải tiến hành thực hiện đầy đủ việc thanh toán các khoản nợ, bao gồm cả các khoản nợ thuế trước đó của doanh nghiệp

Tạm ngừng kinh doanh có bị thanh tra thuế không?

Thanh tra thuế được hiểu là hoạt động giám sát của cơ quan thuế đối với các giao dịch có phát sinh thuế và tình hình thực hiện thủ tục hành chính thuế.

Đây là hoạt động kiểm tra đối tượng nộp thuế ở mức cao hơn, thường được thực hiện một cách định kỳ đối với các đối tượng nộp thuế lớn, ngành nghề kinh doanh đa dạng, quy mô lớn hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế…

Căn cứ vào Điều 200 Luật doanh nghiệp 2014 có quy định trong thời gian doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh thì vẫn phải tiếp tục thực hiện nộp đủ số thuế còn nợ, thanh toán các khoản nợ và hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với các bên đối tác kinh doanh, người lao động, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Do vậy, khi doanh nghiệp đang tạm ngừng kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ không phải đóng thuế trong khoảng thời gian tạm ngừng này.

Tuy nhiên đối với số thuế mà doanh nghiệp còn đang nợ trước đó thì vẫn phải tiếp tục nộp đủ, nếu trong trường hợp nộp chậm so với thời hạn cho phép thì vẫn sẽ bị thanh tra thuế như bình thường.

Qua nội dung bài viết trên, chắc hẳn Quý vị đã có câu trả lời cho mình trước câu hỏi: Nợ thuế có được tạm ngừng kinh doanh không? Trong trường hợp cần tư vấn thêm hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ, Quý vị vui lòng liên hệ Công Ty Luật Hoàng Phi để được hỗ trợ theo số 1900 6560.

5/5 - (5 bình chọn)