Nghĩa vụ là gì?

  • Tác giả: Ngọc Lan |
  • Cập nhật: 19/08/2021 |
  • WIKI hỏi đáp |
  • 635 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Trong mỗi quan hệ pháp luật nói chung, các chủ thể tham gia đều có các quyền và nghĩa vụ nhất định. Là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ thuật ngữ này. Để tìm hiểu khái quát về thuật ngữ nghĩa vụ, quyền và nghĩa vụ có mối quan hệ như thế nào, công dân Việt Nam có những nghĩa vụ gì theo quy định của Hiến Pháp 2013, mời bạn đọc đến với bài viết Nghĩa vụ là gì? của TBT Việt Nam.

Nghĩa vụ là gì?

Nghĩa vụ là cách xử sự mà chủ thể buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật, theo thỏa thuận ràng buộc bởi chính các bên nhằm đáp ứng việc thực hiện quyền của chủ thể khác.

Để giúp Quý độc giả hiểu rõ hơn về Nghĩa vụ là gì? chúng tôi sẽ đưa ra ví dụ minh họa như sau:

Doanh nghiệp A và doanh nghiệp B ký một hợp đồng mua bán thiết bị văn phòng phẩm. Trong đó, doanh nghiệp A là người bán hàng, doanh nghiệp B là người mua hàng. Trong quan hệ pháp luật dân sự này, doanh nghiệp A có nghĩa vụ giao hàng đúng số lượng, chất lượng; nghĩa vụ của doanh nghiệp B là phải trả tiền đủ và đúng thời hạn đối với số lượng hàng đã nhận.

Giữa quyền và nghĩa vụ luôn có mỗi quan hệ chặt chẽ và đối lưu cho nhau, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia. Quyền được hiểu là khả năng của chủ thể được xử sự theo những cách nhất định mà pháp luật cho phép. Nhìn chung, không có quyền nằm ngoài mối liên hệ với nghĩa vụ, ngược lại cũng không có nghĩa vụ nằm ngoài mối liên hệ với quyền.

Qua những phân tích nêu trên ta thấy được rằng quyền và nghĩa vụ luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Nghĩa vụ pháp lý nói chung bao gồm những xử sự nào?

Nghĩa vụ pháp lý bao gồm những xử sự sau:

– Phải tiến hành một số hoạt động nhất định;

– Phải kiềm chế không thực hiện một số hoạt động nhất định;

– Phải chịu trách nhiệm pháp lý khi xử sự không đúng với những quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ cơ bản của công dân là gì?

Công dân là sự xác định một thể nhân về mặt pháp lý thuộc về một nhà nước nhất định. Với sự xác định là một công dân của một quốc gia, một người được bảo hộ quyền lợi khi ở trong nước cũng như ở nước ngoài, bên cạnh việc thực hiện một số nghĩa vụ nhất định với nhà nước. Theo khoản 1 điều 17 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 thì công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.

Nghĩa vụ cơ bản của công dân là các nghĩa vụ tối thiểu mà công dân phải thực hiện đối với nhà nước và là tiền đề đảm bảo cho các quyền cơ bản của công dân được thực hiện.

Theo quy định của Luật Hiến pháp 2013 – đạo luật cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,  quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Bên cạnh đó, quyền có mối quan hệ chặt chẽ và không tách rời với nghĩa vụ. Theo quy định hiện hành, công dân có các nghĩa vụ cơ bản sau:

– Nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc; (Điều 44, Hiến pháp 2013);

– Nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc; (Khoản 1 điều 45, Hiến pháp 2013);

– Nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân; (Khoản 2 điều 45 Hiến pháp 2013);

– Nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (Điều 46 Hiến pháp 2013);

– Nghĩa vụ chấp hành các quy tắc sinh hoạt công cộng (Điều 46 Hiến pháp 2013);

– Nghĩa vụ bảo vệ môi trường (Điều 43 Hiến pháp 2013);

– Nghĩa vụ nộp thuế (Điều 47 Hiến pháp 2013);

– Nghĩa vụ học tập (Điều 39 Hiến pháp 2013);

– Nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam; (Điều 46 Hiến pháp 2013)

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết Nghĩa vụ là gì? của TBT Việt Nam, chúng tôi mong rằng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc nào hoặc muốn biết thêm chi tiết, xin vui lòng Liên hệ Tổng đài 1900 6560 của TBT Việt Nam để được giải đáp nhanh chóng, kịp thời.

->>> Tham khảo thêm : mẫu giấy giới thiệu

5/5 - (5 bình chọn)