Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức liên hệ bản thân

  • Tác giả: nam tran |
  • Cập nhật: 05/11/2021 |
  • WIKI hỏi đáp |
  • 1046 Lượt xem
5/5 - (6 bình chọn)

Thực tiễn đã chứng minh, các quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống của con người. Đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn vận dụng linh hoạt và sáng tạo các quan điểm đó trong công cuộc xây dựng đất nước. Không chỉ vậy, nó còn có ý nghĩa lớn trong việc học tập, rèn luyện của các cá nhân. Trong đó, mối quan hệ giữa vật chất và ý thức liên hệ bản thân góp phần vào quá trình học tập và làm việc.

Vật chất là gì?

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin, bản chất của thế giới là vật chất, thế giới thống nhất ở tính vật chất. Thế giới vật chất có nguyên nhân tự nó, vĩnh hằng và vô tận với những biểu hiện đa dạng.

Kế thừa tư tưởng của C.Mác và Ăng-ghen cùng các thành tựu khoa học thời kỳ trước, Lê nin định nghĩa về vật chất như sau:

“ Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác.”

Từ đó, ta nhận thấy, vật chất theo định nghĩa của Lê nin bao gồm các nội dung cơ bản sau:

– Một là: Vật chất là cái tồn tại khách quan bên ngoài ý thức và không phụ thuộc vào ý thức, bất kể sự tồn tại ấy con người đã nhận thức được hay chưa nhận thức được.

– Hai là: Vật chất là cái gây nên cảm giác ở con người khi gián tiếp hoặc trực tiếp tác động lên giác quan con người.

– Bà là: Cảm giác, tư duy, ý thức chỉ là sự phản ánh của vật chất.

Vật chất biểu hiện sự tồn tại của mình bằng các phương thức tồn tại tương đối đa dạng bao gồm vận động, không gian và thời gian.

Để tìm ra mối quan hệ giữa vật chất và ý thức liên hệ bản thân, chúng ta cần hiểu rõ ý thức là gì.

Ý thức là gì?

Trong lịch sử triết học, có nhiều quan điểm khác nhau về ý thức. Nếu triết học suy tâm cho rằng ý thức là một thực thể độc lập, là thực tại duy nhất từ đó cho rằng ý thức sinh ra vật chất chứ không phải là sự phản ánh của vật chất.

Trái lại, các nhà triết học duy vật đều thừa nhận vật chất tồn tại khách quan và ý thức là sự phản ánh của sự vật đó.

Khác với các quan điểm trên, chủ nghĩa duy vật biện chứng dựa trên cơ sở lý luận cho rằng ý thức là sự phản ánh hiện thực khách quan vào trong bộ óc con người về một cách năng động, sáng tạo; ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan.

Qua đó, ta có thể hình dung khái quát về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức. Trước hết, ta thấy ý thức là sự phản ánh, còn vật chất là cái được phản ánh. Trong đó, ý thức là hiện thực chủ quan, là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, lấy khách quan làm tiền đề, bị cái khách quan quy định, nó không có tính vật chất.

Kết cấu của ý thức

Ý thức là một hiện tượng tâm lý – xã hội có kết cấu phức tạp. Dựa vào yếu tố hợp thành, ý thức bao gồm các yếu tố đa dạng bao gồm tri thức, tình cảm, niềm tin, lý trí, ý chí,…

Tri thức là kết quả quá trình nhận thức của con người về thế giới hiện thực, làm tái hiện trong tư tưởng những thuộc tính, những quy luật của thế giới ấy và diễn đạt chúng dưới hình thức ngôn ngữ hoặc các hệ thống ký hiệu khác.

Tình cảm là sự cảm động của con người trong quan hệ của mình với thực tại xung quanh và đối với bản thân mình.

Trong các yếu tố nêu trên, tri thức là yếu tố chủ yếu và cốt lõi của ý thức.

Căn cứ vào chiều sâu của nội tâm con người, ý thức bao gồm tự ý thức, tiềm thức, vô thức. Trong đó:

– Tự ý thức

Trong quá trình nhận thức thế giới xung quanh, con người đồng thời cũng tự nhận thức bản thân mình. Quá trình đó được gọi là tự ý thức. Có thể hiểu, tự ý thức là một thành tố quan trọng của ý thức, tuy nhiên đó là ý thức về bản thân mình trong mối quan hệ với ý thức về thế giới bên ngoài.

– Tiềm thức

Tiềm thức là những tri thức mà chủ thể đã có được từ trước những đã gần như trở thành bản năng, thành kỹ năng nằm trong tầng sâu của ý thức chủ thể, là ý thức dưới dạng tiềm năng.

– Vô thức

Vô thức là những trạng thái tâm lý ở chiều sâu, điều chỉnh sự suy nghĩ, hành vi, thái độ ứng xử của con người mà chưa có sự tranh luận của nội tâm, chưa có sự truyền tin bên trong, chưa có sự kiểm tra, tính toán của lý trí.

Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức

Khi nói đến mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định:

Vật chất có trước, ý thức có sau, vật chất là nguồn gốc của ý thức, quyết định ý thức, song ý thức có thể tác động trở lại vật chất thông qua hoạt động thực tiễn của con người; vì vậy, con người phải tôn trọng khách quan, đồng thời phát huy tính năng động chủ quan của mình.

Liên hệ bản thân

Từ mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, ta có thể liên hệ bản thân để rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu đối với quá trình học tập và làm việc.

Trước hết, trong quá trình hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn, chúng ta cần phải coi trọng thực tế khách quan, lấy thực tế khách quan làm cho căn cứ cho mọi hoạt động của mình.

Bên cạnh đó, cần phải phát huy tính năng động chủ quan, tức là phát huy vai trò tích cực của ý thức, vai trò tích cực của nhân tố con người. Như vậy, để đạt được thành công trong mọi lĩnh vực, con người cần trang bị các tri thức cần thiết và xác định đúng đắn mục tiêu, phương hướng hoạt động và tổ chức thực hiện. Cùng với nỗ lực và ý chí mạnh mẽ của mình để đạt được mục tiêu đề ra. Từ mối quan hệ giữa vật chất và ý thức liên hệ bản thân, cá nhân tôi thấy được rằng bản thân phải luôn phát huy tính năng động sáng tạo của ý thức, phát huy nhân tố con người để tác động cải tạo thế giới khách quan. Đặc biệt cần tránh tình trạng bảo thủ trì trệ, thái độ tiêu cực, thụ động, ỷ lại.

Như vậy, bài viết mối quan hệ giữa vật chất và ý thức liên hệ bản thân đã cho thấy bản chất, nguồn gốc của vật chất, ý thức. Từ đó, rút ra được kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình nhận thức thế giới xung quanh. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết của chúng tôi.

5/5 - (6 bình chọn)