Mẫu đơn xin nghỉ việc cơ quan nhà nước mới nhất năm 2024

  • Tác giả: Phương Thảo |
  • Cập nhật: 10/01/2024 |
  • Biểu mẫu |
  • 1908 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Đơn xin nghỉ việc trong cơ quan nhà nước được soạn thảo theo mẫu như thế nào? TBT Việt Nam sẽ gửi tới Quý độc giả thông tin hữu ích qua nội dung bài viết.

Mẫu đơn xin nghỉ việc cơ quan nhà nước cũng không có sự khác biệt quá nhiều so với mẫu đơn xin nghỉ việc thông thường. Điều đặc biệt của mẫu đơn này là nó được áp dụng đối với các chủ thể làm việc trong cơ quan nhà nước như công chức, viên chức, và người lao động làm việc tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo HĐLĐ.

>>> Tham khảo: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội

Mẫu đơn xin nghỉ việc cơ quan nhà nước mới nhất

Văn bản này được trình lên lãnh đạo của cơ quan nhà nước, do đó, yếu tố quan trọng cần phải thể hiện sự chuyên nghiệp, câu từ sắc sảo để giữa mối quan hệ với cơ quan, đồng thời đảm bảo quyền lợi của mình sau khi nghỉ việc.

Để biết được cách viết đơn như thế nào thì hợp lý thì trong bài viết này, Tổng đài 19006560 sẽ giới thiệu mẫu xin nghỉ việc cơ quan nhà nước mới nhất đối với 2 chủ thể cơ bản là công chức và viên chức.

Công chức, theo khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và luật viên chức năm 2019, là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong:

 + Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;

+ Cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Công chức có nguyện vọng xin thôi việc thì phải làm đơn gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong thời hạn 30 ngày, nếu được đồng ý công chức sẽ nhận được văn bản trả lời từ cơ quan có thẩm quyền (khoản 2 điều 59 Luật cán bộ, công chức năm 2008)

Viên chức, theo Điều 2 Luật Viên chức 2010, là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Viên chức có nguyện vọng thôi việc có văn bản gửi người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc (điểm a khoản 3 điều 57 nghị định 115/2020/NĐ-CP).

>>> Tham khảo: Mẫu đơn xin nghỉ thai sản mới nhất

Hướng dẫn viết đơn xin nghỉ việc cơ quan nhà nước

Đơn xin nghỉ việc là nét văn hóa công sở mà mỗi chúng ta đều cần. Bởi vậy, dù muốn hay không thì người làm đơn cũng không nên tỏ thái độ bất mãn, đả kích trong lá đơn xin nghỉ việc. Đó chính là hình ảnh phản chiếu của nhân cách con người với những người ở lại, với cấp trên của mình. Dưới đây là một số phần quan trọng khi trình bày đơn mà quý vị có thể tham khảo.

– Phần thông báo thông tin cá nhân: Trong nội dung này, người viết đơn cần nêu rõ họ và tên cá nhân, chức vụ đang nắm giữ, địa chỉ cơ quan đang làm việc hiện tại

– Phần trình bày lý do xin nghỉ việc: được xem là phần quan trọng nhất. Chính vì vậy, cần trình bày ngắn gọn, rành mạch, dễ hiểu.

Sau đây là một số lý do ví dụ mẫu độc giả có thể tham khảo:

+ Không được bố trí công việc đúng chuyên môn, nghiệp vụ;

+ Năng lực còn yếu kém không đáp ứng được công việc được giao;

+ Cần tập trung vào việc học, nâng cao kiến thức, trình độ.

– Thời gian xin nghỉ: người làm đơn cần ghi chính xác thời gian muốn xin nghỉ chính thức của mình để cơ quan nắm được và có sự thay thế nhân sự cho phù hợp.

– Nội dung bàn giao công việc: cần ghi rõ ràng những công việc, tài sản của cơ sở tại nơi mình làm việc để tránh những khúc mắc sau này.

Thêm vào đó, người làm đơn cũng cần có một số lưu ý khác:

1/ Cần sử dụng ngôn ngữ lịch sự: Bởi nếu người đọc nhận được sự lịch sự, họ sẽ thoải mái hơn trong việc ra quyết định, đồng thời mình cũng sẽ được đánh giá cao.

2/ Tuân theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động: để bảo đảm lương và các chế độ khác, cũng như không phải bồi thường chi phí đào tạo người nghỉ việc thông báo trước trong thời gian nhất định đã được quy định, tuân thủ thời gian đã được cam kết trước đó.

3/ Linh hoạt một số nội dung: đây sẽ là cơ hội để người làm đơn gây được thiện cảm đối với cơ quan như gửi lời cảm ơn đến đồng nghiệp, lãnh đạo; có thể đề cử người thay thế phù hợp…

>>> Tham khảo: Mẫu đơn xin nghỉ không lương mới nhất

 

Chế độ được hưởng khi nghỉ việc cơ quan nhà nước khi chưa đến tuổi nghỉ hưu

Sau khi nắm được cách thức viết đơn nghỉ việc chắc hẳn hầu hết ai trong số chúng ta cũng đều băn khoăn về các chế độ mà mình được hưởng khi chấm dứt công việc. Tổng đài tư vấn pháp luật 19006560 xin tư vấn một số điểm quan trọng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của quý vị.

Đối với công chức thôi việc theo nguyện vọng đúng thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật cán bộ, công chức năm 2008 có đủ điều kiện được xét duyệt mà không thuộc các trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 điều 4 nghị định 46/2010/NĐ-CP và có sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thì sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc.

Mức hưởng trợ cấp thôi việc căn cứ theo điều 5 nghị định 46/2010/NĐ-CP theo đó cứ mỗi năm làm việc được tính bằng ½ (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).

Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng.Cơ quan chi trả khoản trợ cấp trên chính là cơ quan trực tiếp quản lý công chức.

Ngoài ra, công chức khi thôi việc còn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm xã hội của công chức đó.

Đối với viên chức có đơn tư nguyện xin thôi việc đáp ứng đủ các điều kiện được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản; không thuộc các trường hợp chưa được giải quyết thôi việc tại khoản 1 điều 57 nghị định 115/2020 và không nằm trong các chủ thể theo khoản 4 điều 38 nghị định 161/2018/NĐ-CP thì sau khi nghỉ việc viên chức này sẽ được hưởng các chế độ sau:

1/ Trợ cấp thôi việc

Mức hưởng của viên chức có thời gian công tác từ 31/12/2008 trở về trước thì cứ mỗi năm làm việc được tính bằng ½ (một phần hai) tháng lương hiện hưởng gồm mức lương chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).

Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (tháng) lương hiện hưởng. Cơ quan, đơn vị chi trả trợ cấp thôi việc cho viên chức là đơn vị sự nghiệp công lập nơi mà viên chức đang công tác.

2/ Trợ cấp thất nghiệp

Đối tượng viên chức có thời gian công tác từ 01/01/2009 đến nay và đủ điều kiện được quy định tại điều 49 Luật việc làm 2013 thì được hưởng chế độ này, với mức hưởng hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở.

3/ Bảo hiểm y tế

Tổ chức bảo hiểm xã hội sẽ căn cứ quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động theo Khoản 1 Điều 23 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.

Ngoài ra, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp là một trong số những đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại điểm 2.6 khoản 2 điều 17 Quyết định 595/QĐ-BHXH. Do đó, viên chức nghỉ việc theo nguyện vọng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được hưởng bảo hiểm y tế do tổ chức BHXH đóng.

Về mức hưởng đối tượng trên được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi khám chữa bệnh đúng tuyến tại điểm đ khoản 1 điều 22 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Trên đây là những nội dung về đơn xin nghỉ việc cơ quan nhà nước và những vấn đề có liên quan. Quý vị có thắc mắc vui lòng liên hệ hotline 1900 6560 để được tư vấn, giải đáp nhanh chóng.

>>> Tham khảo: Tổng hợp các mẫu đơn xin xác nhận mới nhất

5/5 - (5 bình chọn)