Mã ngành nghề kinh doanh phòng cháy chữa cháy

  • Tác giả: Nguyễn Kiều |
  • Cập nhật: 23/06/2023 |
  • Tư vấn doanh nghiệp |
  • 45 Lượt xem
5/5 - (8 bình chọn)

Khi thực hiện thủ tục tục thành lập công ty kinh doanh ngành nghề phòng cháy chữa cháy một vấn đề được nhiều người quan tâm đó là Mã ngành nghề kinh doanh phòng cháy chữa cháy quy định như thế nào?

Điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy

Trước khi tìm hiểu về mã ngành nghề kinh doanh phòng cháy chữa cháy cần nắm được điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy. Theo quy định tại Điều 41 Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng cháy và chữa cháy quy định như sau:

Điều 41. Điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy

1. Cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là cơ sở kinh doanh), gồm: Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chi nhánh, cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức; hộ kinh doanh.

2. Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều này phải có văn bằng hoặc Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy và là người có tên tại một trong các văn bản sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp.

Trường hợp người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh là người nước ngoài, đã có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy hoặc chứng chỉ hành nghề về phòng cháy và chữa cháy do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp thì phải có văn bản hợp pháp hóa lãnh sự.

3. Có cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy:

a) Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy: Có địa điểm hoạt động; phương tiện, thiết bị bảo đảm thực hiện tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy;

b) Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy: Có phòng thí nghiệm và thiết bị kiểm định được cơ quan có thẩm quyền công nhận chất lượng;

c) Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn chuyển giao công nghệ phòng cháy và chữa cháy; huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy: Có phương tiện, thiết bị bảo đảm thực hiện tư vấn chuyển giao công nghệ; phương tiện, thiết bị phục vụ huấn luyện, địa điểm tổ chức huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy;

d) Đối với cơ sở kinh doanh về thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy: Có phương tiện, thiết bị, máy móc bảo đảm cho việc thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy;

đ) Đối với cơ sở kinh doanh về sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy: Có địa điểm hoạt động; có nhà xưởng, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động sản xuất, lắp ráp, thử nghiệm phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy.

4. Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát về phòng cháy và chữa cháy, ngoài quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, phải có ít nhất 02 cá nhân có Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với lĩnh vực tư vấn theo quy định tại điểm b, điểm d khoản 3 Điều 43 Nghị định này; trong đó có ít nhất 01 cá nhân đảm nhiệm chức danh chủ trì thiết kế, thẩm định, giám sát về phòng cháy và chữa cháy.

5. Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy, ngoài quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, phải có ít nhất 02 cá nhân có chứng chỉ hành nghề theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 43 Nghị định này.

6. Đối với cơ sở kinh doanh về tư vấn chuyển giao công nghệ phòng cháy và chữa cháy; huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, ngoài quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, phải có ít nhất 01 người có trình độ đại học trở lên ngành phòng cháy và chữa cháy hoặc trình độ đại học trở lên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động và được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.

7. Đối với cơ sở kinh doanh về thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy, ngoài quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, phải có ít nhất 01 chỉ huy trưởng thi công được cấp Chứng chỉ hành nghề chỉ huy thi công về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 43 Nghị định này.

8. Đối với cơ sở kinh doanh về sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, ngoài quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, phải có ít nhất 01 người có trình độ đại học trở lên ngành phòng cháy và chữa cháy hoặc trình độ đại học trở lên ngành khác phù hợp với lĩnh vực hoạt động và được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.

9. Đối với cơ sở kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư phòng cháy và chữa cháy phải đáp ứng các quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

10. Các cá nhân quy định tại khoản 4, 5, 6, 7 và khoản 8 Điều này phải tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ sở đó.

Cá nhân đã sử dụng văn bằng, chứng chỉ để bảo đảm cho một cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy thì không được sử dụng văn bằng, chứng chỉ đó để bảo đảm cho cơ sở khác đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy.

Như vậy để kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy cần đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo quy định như trên.

Mã ngành nghề kinh doanh phòng cháy chữa cháy

Khi thành lập công ty kinh doanh ngành nghề phòng cháy chữa cháy có thể tham khảo Mã ngành nghề kinh doanh phòng cháy chữa cháy sau đây:

– Mã ngành 3319: Sửa chữa thiết bị khác. Chi tiết: Bơm, nạp bình chữa cháy.

– Mã ngành 4329: Lắp đặt hệ thống xây dựng khác. Chi tiết: Lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy.

– Mã ngành 4669: Bán buôn chuyên doanh khác chưa được phân vào đâu. Chi tiết: Bán buôn bình chữa cháy; Bán buôn thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động; Bán buôn thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa cháy; Bán buôn xe chữa cháy. Bán buôn mực bơm. Nạp bình cứu hỏa.

– Mã ngành 7110: Hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan . Chi tiết: Tư vấn, thiết kế phòng cháy chữa cháy; Hoạt động dịch vụ phòng cháy chữa cháy. Hoạt động bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy. Hoạt động bảo trì, bảo dưỡng hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Hồ sơ thành lập công ty kinh doanh ngành nghề phòng cháy chữa cháy

Khi thành lập công ty kinh doanh ngành nghề phòng cháy chữa cháy việc chuẩn bị hồ sơ rất quan trọng, thông thường hồ sơ thành lập công ty bao gồm:

– Giấy đề nghị Đăng ký doanh nghiệp;

– Dự thảo điều lệ công ty;

– Danh sách thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên, Cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần;

– Đối với cá nhân: Chứng minh thư nhân dân hoặc CCCD hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực;

– Đối với tổ chức: Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức và kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định uỷ quyền của Người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức;

– Quyết định góp vốn đối với thành viên công ty, cổ đông công ty là tổ chức;

– Những giấy tờ, tài liệu cần thiết khác.

Quy trình thành lập công ty kinh doanh ngành nghề phòng cháy chữa cháy

Để  thành lập công ty kinh doanh ngành nghề phòng cháy chữa cháy cần thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị những thông tin cần thiết để thành lập công ty

– Lựa chọn loại hình công ty dự định thành lập, theo quy định hiện nay có các loại hình là công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân.

– Chuẩn bị các thông tin cần thiết liên quan đến thành lập công ty như tên công ty, địa chỉ trụ sở công ty, mã ngành nghề kinh doanh phòng cháy chữa cháy,…

Bước 2: Soạn thảo hồ sơ thành lập công ty

Trên cơ sở loại hình công ty đã lựa chọn sẽ tiến hành soạn thảo hồ sơ thành lập công ty kinh doanh ngành nghề phòng cháy chữa cháy theo nội dung đã hướng dẫn ở trên.

Bước 3: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền

Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ thành lập công ty qua cổng dịch vụ công trực tuyến đến Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính.

Bước 4: Theo dõi hồ sơ và nhận kết quả

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ cơ quan có thẩm quyền xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Trường hợp từ chối cấp phải có thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

Bước 5: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Tại sao nên lựa chọn dịch vụ thành lập công ty trọn gói?

Thực tế thấy được rằng thủ tục thành lập công ty tương đối đơn giản tuy nhiên với những người lần đầu thực hiện thủ tục này sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy thay vì tự mình thực hiện thủ tục này nhiều người thường lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ thành lập công ty uy tín để ủy quyền thực hiện thủ tục này.

Khi sử dụng dịch vụ thành lập công ty trọn gói quý khách hàng sẽ chỉ cần cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến việc thành lập công ty như tên công ty, ngành nghề kinh doanh, vốn,…mà  không cần phải thực hiện bất kì thủ tục nào khác, chỉ cần nhận kết quả cuối cùng là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Nội dung bài viết trên đây của TBT Viet Nam đã cung cấp những thông tin hữu ích về Mã ngành nghề kinh doanh phòng cháy chữa cháy để quý độc giả tham khảo.

5/5 - (8 bình chọn)