Khái niệm Đương sự là gì?

  • Tác giả: Phương Thảo |
  • Cập nhật: 13/08/2021 |
  • Tư vấn pháp luật |
  • 793 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Khái niệm đương sự là gì? Đương sự trong tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng hành chính được hiểu như thế nào? Bài viết này sẽ giúp Quý độc giả có thêm thông tin giải đáp cho các thắc mắc trên.

Khái niệm đương sự là gì?

Đương sự là khái niệm được nhắc đến trong các hình thức tố tụng, do đó khái niệm này chứa đựng nội dung rất bao quát và chỉ có thể phân tích kỹ lưỡng khi đặt trong từng quan hệ pháp luật tố tụng cụ thể.

Tuy nhiên, khái niệm đương sự có thể hiểu một cách khái quát nhất là cá nhân, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Để giúp Quý độc giả hiểu hơn về đương sự là gì? cũng như nhận diện đúng trên thực tế, chúng tôi sẽ chia sẻ tới Quý độc giả về đương sự trong các quan hệ pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng hành chính.

Đương sự trong tố tụng dân sự

1/ Vụ việc dân sự

Để tìm hiểu đương sự trong tố tụng dân sự, trước hết cần phải nắm rõ khái niệm vụ việc dân sự bởi tố tụng dân sự chính là quá trình giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự phát sinh nhiều quan hệ khác nhau giữa tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người định giá tài sản và người liên quan.

Trong khái niệm vụ việc dân sự sẽ bao gồm việc dân sự và vụ án dân sựcủa bốn nhóm quan hệ luật tư đó là dân sự, hôn nhân gia đình, thương mại và lao động.

2/ Khái niệm đương sự trong vụ việc dân sự

Trong các vụ việc dân sự, có một số người tham gia tố tụng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc dân sự tham gia tố tụng với mục đích là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Họ là đối tượng trong vụ việc được tòa án giải quyết.

Trong một số trường hợp tuy họ không có quyền, lợi ích liên quan đến vụ việc dân sự nhưng lại tham gia tố tụng để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước trong lĩnh vực được giao phụ trách. Hoạt động tố tụng của họ có ảnh hưởng lớn đến quá trình giải quyết vụ việc dân sự, có thể dẫn đến việc phát sinh, thay đổi hoặc đình chỉ tố tụng. Những người tham gia tố tụng này được gọi là đương sự trong vụ việc dân sự.

Tóm lại đương sự trong vụ việc dân sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách do có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc dân sự.

Vì trong khái niệm vụ việc dân sự bao hàm cả vụ án dấn sự và việc dân sự do đó đương sự trong vụ án dân sự và đương sự trong việc dân sự là khác nhau, cụ thể:

+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

Còn đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đương sự trong tố tụng hình sự

Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, đương sự trong tố tụng hình sự gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Theo đó:

+ Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Lưu ý thiệt hại của nguyên đơn dân sự không phải là thiệt hại trực tiếp do hành vi phạm tội gây ra và đồng thời phải là thiệt hại thực tế.

+ Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Bị đơn dân sự trong tố tụng hình sự có thể là cha mẹ của bị can, bị cáo chưa thành niên. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp luật định…

+ Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có thể là người không liên quan đến việc thực hiện tội phạm nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng phải xử lý theo pháp luật những vấn đề có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

Ví dụ: Cá nhân, cơ quan, tổ chức mà tài sản của họ bị người bị người phạm tội sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội; cá nhân mà tài sản của họ bị kê biên, bị tạm giữ cùng tài sản của người phạm tội; người đã được kẻ phạm tội cho một số tài sản do phạm tội mà có.

Người đã tham gia vào việc thực hiện tội phạm nhưng đã được miễn trách nhiệm hình sự cũng có thể là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu như cơ quan tiến hành tố tụng phải giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ như xử lý những vật thuộc sở hữu của họ đã dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, xử lý những tài sản do phạm tội mà có, …

Đương sự trong tố tụng hành chính

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015, đương sự trong tố tụng hành chính bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Để các chủ thể trên tham gia vào quan hệ tố tụng hành chính, đòi hỏi phải đáp ứng điều kiện của năng lực chủ thể (năng lực pháp luật hành chính và năng lực hành vi tố tụng hành chính), cụ thể:

+ Năng lực pháp luật tố tụng hành chính là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng hành chính do pháp luật quy định. Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức có năng lực pháp luật tố tụng hành chính như nhau trong việc yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

+ Năng lực hành vi tố tụng hành chính là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng hành chính.

Bài viết đương sự là gì? hy vọng đã đem đến cho Quý độc giả các thông tin hữu ích. Quý độc giả còn những thắc mắc có liên quan đến bài viết có thể liên hệ chúng tôi theo số Tổng đài 1900 6560, trân trọng.

5/5 - (5 bình chọn)