Hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội mới nhất năm 2024 như thế nào?

  • Tác giả: Cẩm Tú |
  • Cập nhật: 09/01/2024 |
  • Tư vấn bảo hiểm xã hội |
  • 2736 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

TBT Việt Nam hướng dẫn thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội theo những quy định pháp luật hiện hành, Quý độc giả tham khảo nội dung bài viết chắc chắn sẽ có thêm những kiến thức pháp lý hữu ích.

Sổ bảo hiểm xã hội là cuốn sổ ghi nhận quá trình tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, đồng thời là căn cứ để hưởng các chế độ của bảo hiểm theo quy định. Nếu trong quá trình lưu giữ bảo quản không may người lao động làm mất sổ bảo hiểm sẽ phải làm thủ tục xin cấp lại sổ BHXH.

Vậy quy trình, thủ tục giải quyết việc cấp lại sổ bảo hiểm xã hội như thế nào? Chúng tôi sẽ giải đáp qua bài viết dưới đây.

>> Tham khảo: Mức Đóng Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất

 

Hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội bị mất gồm những gì?

Trước hết, cùng tìm hiểu về các trường hợp được cấp lại sổ bảo hiểm xã hội theo quy định. Căn cứ theo khoản 2, điều 46 Quyết định 595/QĐ – BHXH, các trường hợp cấp lại sổ bao gồm:

– Cấp lại sổ BHXH (bìa và tờ rời) được cấp trong các trường hợp sau đây: mất; hỏng; gộp; thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; người đã hưởng BHXH một lần còn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa hưởng;

– Cấp lại bìa sổ BHXH trong các trường hợp: sai về giới tính; quốc tịch;

– Cấp lại tờ rời sổ BHXH trong các trường hợp: bị mất; hỏng.

Ngoài ra, nếu trong trường hợp có sự thay đổi thông tin sau đây thì không phải cấp lại sổ bảo hiểm xã hội: Số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp; hộ khẩu thường trú (quy định tại Công văn 3835/ BHXH – CST).

Hồ sơ xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội bị mất gồm những giấy tờ sau: Căn cứ theo khoản 1, điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH, quy định:

Cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng: thành phần hồ sơ gồm có:

+ 01 Tờ khai tham gia điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT mẫu TK1 – TS;

+ 01 Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.

+ Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Như vậy, để xin cấp lại sổ BHXH, người lao động cần chuẩn bị các giấy tờ hồ sơ theo quy định, gồm có: tờ khai tham gia điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT mẫu TK1-TS; Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.

>> Tham khảo: Thủ Tục Gộp Sổ Bảo Hiểm Xã Hội Như Thế Nào?

 

Thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội bị mất như thế nào?

Thứ nhất: Về thẩm quyền cấp lại sổ bảo hiểm xã hội bị mất

Thẩm quyền cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do làm mất hoặc hỏng thuộc thẩm quyền của cơ quan BHXH quận/huyện nơi công ty người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc cơ quan BHXH cuối cùng tham gia đóng (trường hợp người lao động đã nghỉ việc).

Hồ sơ bao gồm:

– Trường hợp nộp trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội:

+ 01 Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin BHXH, BHYT theo mẫu TK1-TS;

+ 01 Đơn đề nghị cấp lại sổ BHXH của người lao động.

– Trường hợp nộp hồ sơ thông qua đơn vị người sử dụng lao động bổ sung thêm văn bản đề nghị của đơn vị sử dụng lao động ( Mẫu D01b-TS).

Thứ hai: Về thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội

Người tham gia bảo hiểm nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan BHXH nơi đang đóng BHXH (trong trường hợp đang đóng BHXH tự nguyện) hoặc cơ quan BHXH nơi đóng bảo hiểm xã hội cuối cùng trước khi dừng tham gia.

Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện đối chiếu thông tin hồ sơ xin cấp lại với dữ liệu do cơ quan BHXH quản lý. Nếu xét thấy đủ các điều kiện theo quy định và xác định người bị mất sổ bảo hiểm xã hội chưa hưởng trợ cấp một lần thì thực hiện cấp lại sổ bảo hiểm xã hội.

Thứ ba: Về thời hạn giải quyết hồ sơ

Thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định là không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp cơ quan BHXH cần phải xác minh quá trình đóng bảo hiểm xã hội ở tỉnh khác hoặc nhiều đơn vị nơi người lao động có thời gian làm việc không quá 45 ngày và phải có văn bản thông báo cho người lao động được biết.

>> Tham khảo: Mã số bảo hiểm xã hội là gì? Tra cứu mã số bảo hiểm xã hội?

 

Mất sổ bảo hiểm xã hội có lãnh được tiền bảo hiểm thất nghiệp không?

Theo quy định tại điều 16, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, quy định về hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, bao gồm:

– 01 Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu do Bộ lao động – Thương binh và Xã hội quy định);

– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:

+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

+ Quyết định thôi việc;

+ Quyết định sa thải;

+ Quyết định kỉ luật buộc thôi việc;

+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

– Sổ bảo hiểm xã hội của người lao động đã được chốt.

Như vậy, theo quy định sổ bảo hiểm xã hội là một trong những giấy tờ bắt buộc cần phải có trong hồ sơ hưởng trợ cấp thất ngiệp. Trong trường hợp người lao động đang bị mất sổ bảo hiểm thì không thể lãnh được tiền bảo hiểm thất nghiệp. Do vậy, người lao động trước tiên cần làm thủ tục xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do bị mất.

Thủ tục xin cấp lại sổ BHXH do bị mất, người lao động thực hiện theo quy trình như trên. Sau khi nhận lại được sổ BHXH đã được cấp lại, người lao động làm hồ sơ nộp tại Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Lưu ý: Thời gian làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày ghi trên quyết định chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, quá thời hạn quy định nêu trên sẽ không được giải quyết hồ sơ.

>>>Xem thêm: Số điện thoại tư vấn bảo hiểm xã hội

>>>Xem thêm: Số điện thoại tư vấn bảo hiểm y tế

>>>Xem thêm: Số điện thoại tư vấn bảo hiểm thất nghiệp

 

5/5 - (5 bình chọn)