Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 2024

  • Tác giả: Phương Thảo |
  • Cập nhật: 05/01/2024 |
  • Tư vấn pháp luật |
  • 558 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm những gì?

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một loại giấy tờ quan trọng, nó không chỉ có vai trò trong các giao dịch đất đai, mua bán nhà ở mà còn có vài trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Chính vì có tầm quan như vậy nên nhu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người sử dụng là rất cao. Tuy nhiên, không phải chủ thể nào cũng nắm rõ  những tài liệu, hồ sơ phải cung cấp để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vậy dưới đây sẽ là danh sách những giấy tờ cần có trong bộ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo khoản 1, điều 8, thông tư 24/2014/TT-BTNMT thì hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm:

a) Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK; 

b) Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đaivà Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CPngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (sau đây gọi là Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất;

c) Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CPđối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);

d) Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 theo Mẫu số 08/ĐK;

đ) Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);

e) Đối với đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh thì ngoài giấy tờ quy định tại các Điểm a, b và d Khoản này phải có quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an về vị trí đóng quân hoặc địa điểm công trình; bản sao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh trên địa bàn các quân khu, trên địa bàn các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà có tên đơn vị đề nghị cấp Giấy chứng nhận;

g) Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế”.

– Đối với việc nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ thể có thể nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc công chứng (Căn cứ khoản 9, điều 7, thông tư 33/2017/ TT-BTNMT)

– Nếu nộp hồ sơ bằng bản sao thì chủ thể nộp hồ sơ cần đem theo bản chính để đối chiếu để đảm bảo tính pháp lý, tránh những vấn đề phát sinh.

Nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đâu?

Căn cứ tại khoản 2, điều 60, nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đất đai 2013 thì cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:

“Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận là Văn phòng đăng ký đất đai. Nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai”.

->>> Tham khảo thêm : Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Thời gian giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Theo quy định tại khoản 2, điều 62, nghị định 43/2014/NĐ-CP thì “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể cơ quan tiếp nhận, giải quyết thủ tục; thời gian các bước thực hiện thủ tục của từng cơ quan, đơn vị có liên quan và việc giải quyết liên thông giữa các cơ quan có liên quan theo cơ chế một cửa cho phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương nhưng không quá tổng thời gian quy định cho từng loại thủ tục quy định tại Nghị định này”.

Thời gian giải quyết không được quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Đối với những vùng có điều kiện khó khăn, vùng sâu vùng xa thì thời gian giải quyết sẽ được kéo dài hơn nhưng không được quá 40 ngày.

Lệ phí nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Lệ phí nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mỗi tỉnh, thành phố sẽ khác nhau do mức lệ phí sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi có đất ban hành.

Ví dụ như lệ phí của thành phố Hà Nội đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không bao gồm tài sản gắn liền với đất là 25.000 đồng đối với các phường thuộc quận/thị xã còn đối với các khu vực còn lại thì lệ phí cấp là 10.000 đồng. Đối với chủ thể là tổ chức thì lệ phí cấp là 100.000 đồng.

5/5 - (5 bình chọn)