Doanh nghiệp tư nhân là gì theo quy định của pháp luật?

  • Tác giả: Ngọc Lan |
  • Cập nhật: 28/03/2024 |
  • Tư vấn doanh nghiệp |
  • 705 Lượt xem
5/5 - (7 bình chọn)

Với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội như hiện nay, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chính là một bộ phận của kinh tế Nhà nước và là đầu tàu, mũi nhọn trong nền kinh tế quốc dân, dẫn đường cho sự phát triển và hội nhập quốc tế.

Theo quy định Luật doanh nghiệp 2014, hiện nay nước ta công nhận sự tồn tại của năm loại hình doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp tư nhân có nhiều vấn đề nổi bật hơn cả. Để làm rõ doanh nghiệp tư nhân là gì?, bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin xoay quanh loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Doanh nghiệp tư nhân là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Là một loại hình doanh nghiệp trong hệ thống các loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân là một tổ chức được Nhà nước thừa nhận thông qua hoạt động cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân được thành lập với mục đích là thường xuyên, liên tục thực hiện hoạt động kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận dựa trên các ngành, nghề mà Nhà nước cho phép hoạt động.

Để khắc sâu thêm những kiến thức pháp lý, đồng thời có quyết định đúng đắn về lựa chọn loại hình doanh nghiệp đúng đắn, ngoài việc giải thích doanh nghiệp tư nhân là gì, TBT Việt Nam sẽ tiếp tục chia sẻ những đặc điểm cùng với ưu, nhược điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Đặc điểm doanh nghiệp tư nhân

Chủ sở hữu

– Điều kiện trở thành chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân.

Theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân bắt buộc phải là cá nhân. Cá nhân đó có thể mang quốc tịch Việt Nam hoặc là người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam và từ đủ 18 tuổi trở lên, đồng thời phải có năng lực hành vi dân sự.

Bên cạnh đó, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân không thuộc vào các trường hợp pháp luật cấm thành lập doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014.

– Quyền hạn và nghĩa vụ của chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân.

Với quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014, có thể thấy, pháp luật chỉ cho phép một cá nhân chỉ được đồng thời làm chủ sở hữu của một doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 175 Luật doanh nghiệp 2014: “Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.”

Như vậy, nếu một cá nhân là th%Anh viên hợp danh của công ty hợp danh và được các thành viên còn lại trong công ty hợp danh nhất trí cho làm chủ doanh nghiệp tư nhân thì cá nhân đó vẫn được đồng thời làm chủ sở hữu công ty hợp danh và chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân.

Vì vậy điều kiện bắt buộc phải là công ty hợp danh được thành lập trước doanh nghiệp tư nhân. Còn trong trường hợp một cá nhân thành lập doanh nghiệp tư nhân trước thì cá nhân đó sẽ không được đồng thời làm chủ sở hữu các loại hình doanh nghiệp khác.

Ngoài ra Điều 185, 186, 187 Luật doanh nghiệp 2014 quy định rất rõ các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân.

Trách nhiệm góp vốn thành lập doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 184 Luật doanh nghiệp 2014, chủ doanh nghiệp tư nhân là người duy nhất tự bỏ vốn thành lập doanh nghiệp. Vì vậy, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định quy mô, phạm vi về vốn cũng như mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Vốn để thành lập doanh nghiệp tư nhân có thể là vốn tự có (tài sản riêng của chủ sở hữu), vốn được hình thành từ các khoản vay tài chính tín dụng,…

Theo quy định của luật doanh nghiệp hiện hành, thủ tục góp vốn không đặt ra đối với doanh nghiệp tư nhân. Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho doanh nghiệp.

Đây chính là điểm khác biệt so với loại hình công ty. Như vậy, doanh nghiệp tư nhân không có tài sản riêng mà tài sản của doanh nghiệp tư nhân vẫn thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp.

Trách nhiệm tài sản

Theo quy định tại khoản 1 Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm tài sản đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong phạm vi toàn bộ tài sản của mình.

Trách nhiệm tài sản được đặt ra với chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân là vô hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân

Dẫn chiếu theo điểm c khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, bản chất pháp lý của doanh nghiệp tư nhân đã không thỏa mãn một trong các điều kiện để được công nhận là pháp nhân đó là: “Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình”.

Về trách nhiệm tài sản, tài sản của doanh nghiệp tư nhân cũng chính là tài sản của chủ sở hữu, do không có sự phân định rạch ròi nên doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân.

Bởi vậy, theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014, pháp luật không cho phép doanh nghiệp tư nhân phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào và cũng không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Ưu điểm và nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân

Ưu điểm:

+ Tạo dựng được lòng tin, uy tín đối với đối tác vì trách nhiệm tài sản là vô hạn;

+ Thuận lợi trong quản lý, điều hành.

Nếu như bộ máy của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn cồng kềnh phải cần đến nhiều chủ thể quản lý và ban kiểm soát thì bộ máy quản lý của doanh nghiệp tư nhân lại nhỏ gọn hơn, có thể kiểm soát và bao quát một cách dễ dàng.

Nhược điểm:

+ Đối với chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, không được san sẻ được rủi ro trong kinh doanh vì chỉ do một cá nhân là chủ sở hữu, đồng thời doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.

Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm tài sản vô hạn đối với mọi hoạt động kinh doanh của công ty.

+ Khó khăn trong huy động vốn, tìm kiếm các nguốn tài chính trong kinh doanh vì không được quyền phát hành bất kỳ một loại chứng khoán nào, cũng như không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

+ Trong trường hợp chủ sở hữu đưa tài sản chung của vợ hoặc chồng vào thành lập doanh nghiệp mà chưa có sự đồng ý của bên còn lại thì sẽ gặp nhiều vướng mắc đối với trách nhiệm tài sản của chủ sở hữu khi doanh nghiệp đó bị phá sản.

Trong phạm vi bài viết doanh nghiệp tư nhân là gì? TBT Việt Nam chưa thể đem đến một cách đầy đủ, trọn vẹn các thông tin pháp lý về doanh nghiệp tư nhân theo pháp luật hiện hành.

Do đó, Quý vị có những băn khoăn khác chưa được giải đáp về doanh nghiệp tư nhân, hãy chia sẻ ngay với chúng tôi qua số 1900 6560. Chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận.

5/5 - (7 bình chọn)