Điều kiện thành lập văn phòng Thừa phát lại

  • Tác giả: Ngọc Lan |
  • Cập nhật: 27/03/2024 |
  • Tư vấn doanh nghiệp |
  • 330 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động thi hành án  dân sự thông qua việc giao một số công việc thi hành án dân sự cho tổ chức tư nhân không phải là cơ quan Nhà nước, chế định Thừa phát đã được xây dựng và được thực hiện trên phạm vi cả nước. Để tìm hiểu về chế định này, mời quý bạn đọc theo dõi bài viết Điều kiện thành lập văn phòng Thừa phát lại.

Lịch sử hình thành chế định Thừa phát lại

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra phương hướng: “ Từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án dân sự”.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nêu rõ nhiệm vụ xã hội hóa một số công việc thi hành án dân sự thông qua chế định Thừa phát lại “Nghiên cứu chế định Thừa phát lại (thừa hành viên); trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”. 

Trên tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, 24 tháng 7 năm 2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2009/NĐ-CP Về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.

Với những kết quả đạt được trong kế hoạch thí điểm văn phòng thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 24 tháng 02 năm 2020, từ đó chế định Thừa phát lại chính thức được áp dụng trên phạm vi cả nước.

Văn phòng Thừa phát lại là gì?

Để tìm hiểu các điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại, trước hết cần hiểu rõ Văn phòng Thừa phát lại gì.

Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại để thực hiện các công việc được giao theo quy định. Văn phòng Thừa phát lại do 01 Thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Thừa phát lại do 02 Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh.

Trong đó, Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự.

Theo quy định hiện hành, Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Văn phòng Thừa phát lại không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch ngoài trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại; không được thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động của Thừa phát lại theo quy định.

Điều kiện thành lập văn phòng Thừa phát lại

Theo quy định tại điều 21,  Nghị định 08/2020/NĐ-CP về thành lập văn phòng Thừa phát lại, việc quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại căn cứ các tiêu chí sau:

– Điều kiện về kinh tế – xã hội của địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

– Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

– Mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

– Không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính cấp huyện là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã; không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính huyện.

Căn cứ vào các tiêu chí trên, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Vậy, khi thành lập văn phòng Thừa phát lại cần chuẩn bị những giấy tờ nào, mời quý bạn đọc theo dõi phần tiếp theo của bài viết Điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại.

>>>>> Tìm hiểu bài viết: Vi bằng là gì?

Trình tự, thủ tục thành lập Văn phòng Thừa lại

Căn cứ vào Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương. Trên cơ sở thông báo nêu trên của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thừa phát lại có nhu cầu thành lập Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

b) Bản thuyết minh về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại để đối chiếu.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

Thừa phát lại đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải nộp phí thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định cho phép thành lập, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi cho phép thành lập.

Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Tư pháp. Hồ sơ bao gồm: Đơn đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại để đối chiếu; giấy tờ chứng minh đủ điều kiện quy định tại khoản 3, 4 Điều 17 của Nghị định 08/2008/NĐ-CP và hồ sơ đăng ký hành nghề của Thừa phát lại theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định 08/2020/NĐ-CP.

Như vậy, qua bài viết chúng tôi đã cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin hữu ích về điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Cảm ơn quý bạn đọc đã theo dõi bài viết.

 

5/5 - (5 bình chọn)