Điều kiện kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT)

  • Tác giả: Thùy Linh |
  • Cập nhật: 27/03/2024 |
  • Tư vấn doanh nghiệp |
  • 465 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, kinh doanh thương mại điện tử là một trong những hoạt động đem lại nhiều lợi ích và lợi nhuận không hề nhỏ cho các doanh nghiệp, thương nhân. Theo quy định của pháp luật Việt Nam Kinh doanh TMĐT là một hoạt động kinh doanh có điều kiện .

Vậy thế nào là kinh doanh TMĐT? Để tiến hành kinh doanh TMĐT doanh nghiệp, thương nhân cần đáp ứng những điều kiện gì? Để trả lời cho những câu hỏi này kính mời quý khách hàng cùng theo dõi bài viết.

Kinh doanh TMĐT là gì?

Kinh doanh TMĐT là việc thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành toàn bộ hoặc một phần quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng di động viễn thông hoặc các mạng mở khác nhằm mục đích thu lợi nhuận.

Để tiến hành kinh doanh TMĐT, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải thiết lập website/ứng dụng thương mại điện tử để phục vụ toàn bộ hoặc một phần quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu dịch vụ, hàng hóa đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.

Tùy từng mục đích kinh doanh TMĐT mà thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập loại hình website phù hợp. Theo quy định của pháp luật, thương nhân, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn một trong các loại hình sau:

– Website thương mại điện tử bán hàng là website TMĐT do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ cho các hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.

– Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website TMĐT do tổ chức, thương nhân thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ TMĐT bao gồm các loại như: Sàn giao dịch thương mại điện tử; Website đấu giá trực tuyến; Website khuyến mại trực tuyến;…

Điều kiện kinh doanh TMĐT

+ Điều kiện thiết lập website thương mại điện tử bán hàng

Các thương nhân, tổ chức, cá nhân được thiết lập website thương mại điện tử bán hàng nếu đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất: Là thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân

Thứ hai: Đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng thông qua công cụ thông báo trực tuyến trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử. Thông tin phải thông báo bao gồm:

– Tên miền của website thương mại điện tử;

– Loại hàng hóa, dịch vụ giới thiệu trên website;

– Tên đăng ký của thương nhân, tổ chức hoặc tên của cá nhân sở hữu website;

– Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân;

– Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức; hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân;

– Tên, chức danh, số chứng minh nhân dân, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của người đại diện thương nhân, người chịu trách nhiệm đối với website thương mại điện tử;

– Các thông tin khác theo quy định của Bộ Công Thương.

+ Điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

Thương nhân, tổ chức được thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử gồm Sàn giao dịch thương mại điện tử; Website đấu giá trực tuyến; Website khuyến mại trực tuyến khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất: Là thương nhân, tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật

Thứ hai: Có đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ các nội dung sau:

– Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến;

– Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ.

Thứ ba: Đã xin giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký theo quy định. Cụ thể:

– Thương nhân, tổ chức tiến hành đăng ký trực tuyến với Bộ Công Thương về việc thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT sau khi website đã được hoàn thiện với đầy đủ cấu trúc, tính năng và thông tin theo đề án cung cấp dịch vụ, đã hoạt động tại địa chỉ tên miền được đăng ký và trước khi chính thức cung cấp dịch vụ đến người dùng.

Hồ sơ đăng ký bao gồm: Đơn đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; Bản sao có chứng thực quyết định thành lập (đối với tổ chức), giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư (đối với thương nhân); Đề án cung cấp dịch vụ theo điều kiện thứ hai đã nêu ở trên; Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan; Mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ, các điều kiện giao dịch chung, nếu có; Các tài liệu khác do Bộ Công Thương quy định.

– Bộ Công Thương là đơn vị xác nhận đăng ký cho các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Bộ Công Thương quy định cụ thể yêu cầu về nội dung hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt đăng ký đối với website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Ngay sau khi được xác nhận đăng ký, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sẽ được gắn lên trang chủ biểu tượng đăng ký. Khi chọn biểu tượng này, người sử dụng được dẫn về phần thông tin đăng ký của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Bộ Công Thương công bố danh sách các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã đăng ký, chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Trên đây, chúng tôi mang tới cho Quý khách hàng những thông tin cần thiết liên quan tới Điều kiện kinh doanh TMĐT. Để biết thêm thông tin chi tiết, Quý khách hàng đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn trực tuyến để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.

5/5 - (5 bình chọn)