Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội mới nhất năm 2024 như thế nào?

  • Tác giả: Cẩm Tú |
  • Cập nhật: 09/01/2024 |
  • Tư vấn bảo hiểm xã hội |
  • 2903 Lượt xem
5/5 - (6 bình chọn)

Theo từng thời kỳ, Chính phủ lại có sự thay đổi về mức lương, do vậy mà người lao động và người sử dụng lao động cũng phải tiến hành điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội để phù hợp với quy định pháp luật.

Trong khi tỷ lệ đóng BHXH năm 2024 không có gì thay đổi thì mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, bao gồm cả lương tối thiểu vùng và mức lương tối đa có sự thay đổi rõ rệt.

>> Tham khảo: Mức Đóng Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất

 

Điều chỉnh mức đóng BHXH là gì?

Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội được hiểu là điều chỉnh khi có sự thay đổi về mức lương làm căn cứ đóng BHXH. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải tiến hành điều chỉnh mức đóng cho người lao động và báo tăng mức đóng với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Mức đóng BHXH hiện tại là bao nhiêu?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tiền lương đóng BHXH hiện tại được quy định như sau: Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người tham gia đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định bao gồm mức lương và các khoản phụ cấp lương.

Từ thời điểm 01/01/2021 trở đi, tiền lương tháng để đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định. Theo đó, các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác bao gồm:

– Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, các điều kiện sinh hoạt, phụ cấp chức vụ, phụ cấp các khoản làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại,…

– Các khoản bổ sung khác có thể liệt kê gồm các khoản tiền được thưởng, tiền ăn nghỉ giữa các ca, tiền xăng xe, điện thoại,…

Và với quy định hiện nay, mức đóng BHXH cụ thể theo quy định tại quyết định 595/QĐ-BHXH, quy định:

– Tiền lương tháng đóng BHXH tối thiểu không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ tại thời điểm đóng cho người lao động trường hợp làm việc trong điều kiện bình thường và cao hơn nhất ít nhất 7% lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề; người lao động làm công việc hoặc chức danh trong điều kiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%.

– Tiền lương tháng đóng BHXH tối đa được quy định bằng 20 lần mức lương cơ sở (từ ngày 01/07/2023 mức lương cơ sở tăng lên là 1,8 triệu đồng tương ứng mức cao nhất là 36 triệu đồng).

Theo đó, mức đóng BHXH hàng tháng của người lao động được xác định dựa trên công thức:

Mức đóng hàng tháng = mức lương tháng đóng BHXH x tỉ lệ trích đóng BHXH

Trong đó:

 Tỷ lệ trích đóng BHXH được áp dụng theo tỷ lệ dưới đây:

– Người lao động hàng tháng trích đóng: 8% vào quỹ BHXH; 1,5% vào quỹ BHYT, 1% vào quỹ BHTN. Tổng mức đóng là 10,5%

– Người sử dụng lao động hàng tháng trích đóng: 17% vào quỹ BHXH, 3% vào quỹ BHYT, 1% vào quỹ BHTN, 0,5% vào quỹ TNLĐ,BNN. Tổng mức đóng là 21,5%.

Mức lương tháng đóng BHXH sẽ căn cứ vào việc người lao động thuộc đối tượng như thế nào:

– Nếu là NLĐ thực hiện chế độ tiền lương Nhà nước quy định thì mức lương tháng đóng BHXH là mức tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc, quân hàm và các khoản phụ cấp khác;

– Nếu NLĐ là người thực hiện theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định thì mức lương đóng BHXH được quy định là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

>> Tham khảo: Đóng bảo hiểm bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản?

 

Khi nào cần điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội?

Từ ngày 01/01/2020 mức lương tối thiểu vùng tăng theo nghị định 90/2019/NĐ-CP so với mức lương tối thiểu vùng được quy định năm 2019. Do vậy, nếu đơn vị doanh nghiệp khi chưa áp dụng mức lương tối thiểu vùng năm 2019 phải tiến hành điều chỉnh lại mức lương làm căn cứ đóng BHXH.

Lương tối thiểu vùng tăng thì mức đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng sẽ tăng, bởi vì:

– Mức lương tháng đóng BHXH được căn cứ trên cơ sở tiền lương, phụ cấp lương và các khoản phụ cấp khác theo hợp đồng lao động;

– Mức tiền lương đóng BHXH ghi trên hợp đồng lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định tại thời điểm mà người lao động đóng.

Do đó mà doanh nghiệp có trách nhiệm điều chỉnh mức lương đối với những lao động đang có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng để phù hợp với quy định pháp luật.

Như vậy, mức đóng BHXH sẽ được điều chỉnh khi có sự thay đổi về tỷ lệ trích đóng hoặc mức tiền lương tháng đóng BHXH (bao gồm sự thay đổi về lương tối thiểu vùng và mức lương tối đa làm căn cứ đóng).

Từ ngày 01/07/2023, mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng tương ứng là 36 triệu đồng nên người lao động có thể được điều chỉnh mức lương tối đa đóng BHXH.

>> Tham khảo: Làm sao để không phải đóng bảo hiểm xã hội?

 

Hướng dẫn điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội trên KBHXH

Để điều chỉnh mức đóng BHXH trên KBHXH, phải đảm bảo rằng máy tính đã được cài đặt phần mềm KBHXH. Sau đó tiến hành đăng nhập bằng cách nhấp vào biểu tượng KBHXH, đăng nhập bằng mã số thuế và mã số doanh nghiệp của đơn vị mình.

Sau đó tiến hành bước khai báo danh sách người lao động lên phần mềm và tiến hành các bước lập hồ sơ.

Các bước để lập một bộ hồ sơ hoàn chỉnh bao gồm các bước sau:

Bước 01: Từ phần quản lý hồ sơ, nhấp vào tạo mới hồ sơ. Khi đó trên góc trái của màn hình trong phần danh sách nghiệp vụ, tiến hành chọn phần QĐ 595.

Bước 02: Chọn người lao động cần tiến hành điều chỉnh mức đóng BHXH. Tiến hành kiểm tra toàn bộ thông tin, dữ liệu.

Bước 03: Tiến hành bước lập hồ sơ. Lúc này phiếu giao nhận hồ sơ gồm có 03 phần hiện ra ở góc trái màn hình gồm có: danh mục hồ sơ; D02-TS-959; TK1-TS 959.

– Ấn qua phần D02-TS-959, ở phần loại nhấn đúp vào chọn số 8 tăng mức đóng. Lúc này khi muốn tăng hay giảm mức đóng ở tháng nào thì điền vào tháng đó.

– Ấn qua phần TK1-TS 959: kiểm tra lại các thông tin xem có sai sót gì hay không, nếu chính xác rồi thì nhấn quay lại phần danh mục hồ sơ. Bấm vào lấy số hồ sơ và bấm vào nút Ghi ở phần dưới màn hình bên tay phải.

– Tiếp theo sẽ vào phần nộp hồ sơ. Tiến hành cắm mã thông báo (token) vào để ký hồ sơ, khi hoàn tất sẽ hiển thị là đã ký.

Khi đã thực hiện hoàn thiện 03 bước trên, vui lòng đăng nhập vào địa chỉ: gddt.baohiemxahoi.gov.vn. Nếu chưa có tài khoản sẽ tiến hành đăng ký. Sau đó, bên phía cơ quan bảo hiểm sẽ gửi lại mật khẩu để đăng nhập.

Sau đó, vào phần nộp hồ sơ tải lên file hồ sơ. Quay lại phần KBHXH đã được cài đặt vào máy tính trước đó chọn Data → chọn mã số thuế → chọn hồ sơ → chọn ngày ký hồ sơ → chọn file bảo hiểm điện tử.

Khi màn hình hiển thị ra ấn vào chọn nộp hồ sơ. Hệ thống BHXH trả lời nộp hồ sơ thành công là đã hoàn tất các bước nộp hồ sơ điều chỉnh mức đóng BHXH cho người lao động.

Trên đây là tất cả những thông tin về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật về bảo hiểm hiện hành. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào cần được hỗ trợ tư vấn, Quý độc giả vui lòng liên hệ trực tiếp qua tổng đài tư vấn miễn phí 1900 6560.

>> Tham khảo: Hướng Dẫn Đăng Ký Bảo Hiểm Xã Hội Lần Đầu Qua Mạng

5/5 - (6 bình chọn)