Đăng ký thành lập doanh nghiệp ở đâu?

  • Tác giả: Phương Thảo |
  • Cập nhật: 13/12/2021 |
  • Tư vấn doanh nghiệp |
  • 275 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Theo Hiến pháp Việt Nam, các tổ chức, cá nhân có quyền tự do kinh doanh. Để tạo tiền đề cho hoạt động kinh doanh, cần tiến hành đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Để tìm hiểu các thông tin liên quan đến đăng ký thành lập doanh nghiệp, mời quý bạn đọc theo dõi bài viết Đăng ký thành lập doanh nghiệp ở đâu? của công ty chúng tôi.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Đăng ký doanh nghiệp là việc người thành lập doanh nghiệp đăng ký thông tin về doanh nghiệp dự kiến thành lập, doanh nghiệp đăng ký những thay đổi trong thông tin về đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Hoạt động đăng ký doanh nghiệp tương đối đa dạng, bao gồm đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và các nghĩa vụ đăng ký.

Trong đó, đăng ký thành lập doanh nghiệp là một trong những thủ pháp lý điển hình. Khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, người đăng ký cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp:

a. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

b. Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Danh sách thành viên.

– Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

c. Hồ sơ đăng ký công ty TNHH

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Danh sách thành viên.

– Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

+ Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

d. Hồ sơ đăng ký công ty cổ phần

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

– Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tưnước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

+ Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Vậy, khi đã chuẩn bị hồ sơ, tổ chức cá nhân nộp hồ sơ ở đâu, mời quý bạn đọc theo dõi phần tiếp theo của bài viết Đăng ký thành lập doanh nghiệp ở đâu của TBT Việt Nam chúng tôi.

Cơ quan đăng ký kinh doanh

Theo quy định tại điều 14, Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp, quy định về cơ quan đăng ký kinh doanh.

Theo đó, Ở Việt Nam hiện nay Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), bao gồm:

– Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh).

– Ở cấp huyện: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (sau đây gọi chung là Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện).

Mặt khác, khoản 1, điều 15 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp, quy định Nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng đăng ký kinh doanh, quy định như sau:

“ Phòng đăng ký kinh doanh trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; cấp hoặc từ chối cấp đăng ký doanh nghiệp.”

Khoản 1, điều 16, Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp, quy định Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, quy định như sau:

“ Trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh; xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp hoặc từ chối cấp đăng ký hộ kinh doanh.”

Như vậy, các tổ chức cá nhân đăng ký doanh nghiệp tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc sở kế hoạch đầu tư. Còn hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh tại Phòng tài chính kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Phương thức nộp hồ sơ

Bên cạnh việc đăng ký thành lập doanh nghiệp ở đâu, cách thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cũng là một trong những vấn đề được quan tâm. Theo quy định hiện hành, các tổ chức cá nhân đăng ký doanh nghiệp thông qua các phương thức sau:

– Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;

– Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;

– Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

Như vậy qua nội dung bài viết đăng ký thành lập doanh nghiệp ở đâu? chúng tôi đã cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin hữu ích về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, phương thức nộp hồ sơ, nơi nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

5/5 - (5 bình chọn)