Công ty cổ phần

  • Tác giả: Nguyễn Kiều |
  • Cập nhật: 27/03/2024 |
  • Tư vấn doanh nghiệp |
  • 207 Lượt xem
5/5 - (6 bình chọn)

Khái niệm công ty cổ phần 

Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó vốn điều lệ được chia thành cổ phần và cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Theo quy định của pháp luật hiện hành, công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó: 

– Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; 

– Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa; 

– Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; 

– Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ một số trường hợp pháp luật quy định hạn chế chuyển nhượng hoặc cấm chuyển nhượng

– Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. 

– Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn”.

Đặc điểm của công ty cổ phần 

Công ty cổ phần là loại công ty đặc trưng cho công ty đối vốn. Công ty cổ phần có những đặc điểm cơ bản sau: 

Đặc điểm 1: Về vốn điều lệ 

Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Giá trị mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phần và được phản ánh trong cổ phiếu. Một cổ phiếu có thể phản ánh mệnh giá của một hoặc nhiều cổ phần. Ví dụ vốn điều lệ của công ty cổ phần H là 5 tỷ đồng. Số tiền này được chia thành nhiều phần bằng nhau, mỗi phần bằng 10.000 đồng (trị giá 10.000 đồng được gọi là mệnh giá cổ phần). Như vậy, số cổ phần của công ty là 500.000 cổ phần. 

Công ty cổ phần bắt buộc phải có cổ phần phổ thông và có thể có cổ phần ưu đãi. Vì vậy, vốn điều lệ của công ty phải thể hiện một phần dưới dạng cổ phần phổ thông và có thể có một phần là cổ phần ưu đãi. Ví dụ công ty cổ phần H có vốn điều lệ là 500.000 cổ phần, 500.000 cổ phần này có thể toàn bộ là cổ phần phổ thông hoặc có thể một phần là cổ phần phổ thông, một phần là cổ phần ưu đãi. 

Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại. Trường hợp thành lập mới công ty cổ phần thì tại thời điểm đăng ký thành lập công ty, vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Số cổ phần này phải được thanh toán đủ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần có thể quy định một thời hạn thanh toán cổ phần đã đăng ký mua ngắn hơn. 

Cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần là tổng số cổ phần các loại mà Đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ chào bán để huy động vốn. Tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, số cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần là tổng số cổ phần các loại mà công ty sẽ bán để huy động vốn, bao gồm cổ phần đã được đăng ký mua (cổ phần đã bán) và cổ phần chưa được đăng ký mua (cổ phần chưa bán). Như vậy, tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, số cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần bao gồm số cổ phần thuộc vốn điều lệ và số cổ phần chưa bán.

Ví dụ, tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, công ty cổ phần X có số cổ phần được quyền chào bán gồm: 500.000 cổ phần phổ thông, 20.000 cổ phần ưu đãi biểu quyết, 30.000 cổ phần ưu đãi hoàn lại và 50.000 cổ phần ưu đãi cổ tức (tổng cộng là 600.000 cổ phần). Trong đó, các cổ đông chỉ đăng ký mua 200.000 cổ phần phổ thông, 20.000 cổ phần ưu đãi biểu quyết, 30.000 cổ phần ưu đãi hoàn lại, 50.000 cổ phần ưu đãi cổ tức và đã thanh toán đủ số cổ phần này cho công ty (tổng cộng 300.000 cổ phần). Như vậy, vốn điều lệ của công ty cổ phần X là 300.000 cổ phần và 300.000 cổ phần phổ thông chưa được đăng ký mua là số cổ phần chưa bán và sẽ được bán khi công ty cần huy động thêm vốn. 

Cổ đông góp vốn vào công ty bằng cách mua cổ phần, mỗi cổ động có thể mua một hoặc nhiều cổ phần. Luật Doanh nghiệp 2014 không quy định số lượng cổ phần tối thiểu mà cổ đông phải mua, trừ cổ đông sáng lập. Cụ thể là tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, các cổ động sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán. Chẳng hạn như đối với công ty cổ phần X ở trên, các cổ đông sáng lập sẽ phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% của 500.000 cổ phần phổ thông được quyền chào bán (tức là ít nhất 100.000 cổ phần phổ thông). Quy định này nhằm đảm bảo sự gắn kết của các cổ đông sáng lập về mặt tài sản cũng như trách nhiệm đối với công ty trong thời gian đầu công ty hoạt động, đồng thời nhằm tránh trường hợp một số người thành lập công ty cổ phần với mục đích khuếch trương công ty và trị giá cổ phần để bán lại và sau đó rút khỏi công ty.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp cũng không quy định hạn chế số lượng cổ phần tối đa mà mỗi cổ đông được mua. Tuy nhiên, nhằm tránh tình trạng một cổ đông hoặc một nhóm cổ đông sở hữu một lượng lớn cổ phần và nắm quyền kiểm soát, thâu tóm công ty thì các cổ đông có thể thỏa thuận trong Điều lệ công ty về giới hạn tối đa số cổ phần mà một cổ động hoặc một nhóm cổ đông có thể mua. 

Đối với những công ty cổ phần kinh doanh ngành nghề mà pháp luật quy định vốn pháp định thì vốn điều lệ ít nhất phải bằng vốn pháp định, ví dụ như kinh doanh trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản… 

Đặc điểm 2: Về cổ đông 

Để trở thành cổ đông công ty cổ phần thì phải sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty. 

Đối tượng trở thành cổ đông công ty: có thể là cá nhân (không phân biệt quốc tịch và nơi cư trú) và tổ chức (không phân biệt nơi đăng ký trụ sở chính). Tuy nhiên, cổ đông thành lập công ty cổ phần phải không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014, còn đối với cổ đông góp vốn, mua cổ phần của công ty cổ phần thì theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014. 

Về số lượng cổ đông: Luật Doanh nghiệp 2014 quy định số lượng cổ đông tối thiểu của công ty cổ phần là 03 cổ động và không hạn chế số lượng cổ đông tối đa. Vì vậy, trên thực tế có những công ty cổ phần có hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng nghìn, hàng triệu cổ đông. Đây cũng là điểm khác biệt của công ty cổ phần so với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn. Công ty cổ phần phải đảm bảo có số lượng cổ đông tối thiểu trong suốt quá trình hoạt động của công ty. Nếu công ty không còn đủ số lượng cổ đông tối thiểu thì pháp luật cho phép công ty kết nạp thêm cổ đông hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp trong thời hạn 06 tháng. Hết thời hạn đó mà vẫn không thay đổi được thì công ty buộc phải giải thể. 

Các loại cổ đông của công ty cổ phần: 

Dựa vào vai trò của cổ đông đối với việc thành lập công ty cổ phân, cô đồng được chia thành: cổ đông sáng lập và cổ đông góp vốn. 

Cổ đông sáng lập: là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần. Công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập. Đối với công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác thì không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập. 

Cổ đông góp vốn hay cổ đông góp vốn thông thường: là cổ đông sở hữu cổ phần của công ty, trở thành chủ sở hữu chung của công ty nhưng không phải là sáng lập viên của công ty. 

Dựa vào loại cổ phần mà cổ đông sở hữu, cổ đông được chia thành: cổ động phổ thông và cổ đông ưu đãi. 

Cổ động phổ thông là người sở hữu cổ phần phổ thông. Công ty cổ phần bắt buộc phải có cổ động phổ thông. 

Cổ đông ưu đãi: là người sở hữu cổ phần ưu đãi. Cổ đông ưu đãi gồm: cổ đông ưu đãi biểu quyết, cổ đông ưu đãi cổ tức, cổ đông ưu đãi hoàn lại và cổ đông ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định. 

Đặc điểm 3: Về chế độ trách nhiệm tài sản 

Trách nhiệm tài sản của công ty: công ty cổ phần chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng toàn bộ tài sản của công ty. 

Trách nhiệm tài sản của cổ đông: cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Hay nói cách khác, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi giá trị cổ phần mà họ sở hữu. 

Đặc điểm 4: Về chuyển nhượng cổ phần

Tự do chuyển nhượng cổ phần là một đặc trưng cơ bản trong công ty cổ phần và khác biệt với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn. Cổ đông công ty cổ phần được quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ các trường hợp sau:

Thứ nhất: Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác. Đây là trường hợp pháp luật cấm chuyển nhượng. Tuy nhiên, cổ phần ưu đãi biểu quyết chỉ tồn tại trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn 03 năm, cổ phần ưu đãi biểu quyết sẽ chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. 

Thứ hai: Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

Như vậy, hạn chế trên chỉ áp dụng đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập và chỉ tồn tại trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, sau thời hạn này, các hạn chế đó được bãi bỏ. Tuy nhiên, hạn chế trên không áp dụng trong hai trường hợp:

Một là: Đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập công ty;

Hai là: Cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty. Đây là một trong những quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2014 

Ví dụ: Công ty cổ phần X được thành lập ngày 10/10/2016 với 04 cổ đông sáng lập là cổ đông A, cổ đông B, cổ đông C và cổ đông D. Tại thời điểm đăng ký thành lập công ty, cổ đông A mua 200 cổ phần phổ thông. Sau khi công ty thành lập được một thời gian, cổ đông A mua thêm 100 cổ phần phổ thông. Ngày 25/12/2017, cổ đông A muốn chuyển nhượng 300 cổ phần phổ thông của mình cho người khác có được không

Thời điểm cổ đông A muốn chuyển nhượng cổ phần chưa đủ 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. 

Trường hợp chuyển nhượng cho cổ đông B, cổ đông C, cổ đông D: Cổ đông A có thể chuyển nhượng toàn bộ cổ phần phổ thông của mình mà không bị hạn chế về mặt thời hạn. 

Trường hợp chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông B, cổ đông C, cổ đông D: đối với việc chuyển nhượng 200 cổ phần phổ thông được mua tại thời điểm đăng ký thành lập công ty thì phải được sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông, còn 100 cổ phần phổ thông được mua sau khi công ty thành lập thì được tự do chuyển nhượng.. 

Thứ ba: Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trong trường hợp này, các quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng. Đây là quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2014 so với Luật Doanh nghiệp 2005. Theo đó, pháp luật cho phép công ty được quy định trong Điều lệ loại cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng và cách thức hạn chế chuyển nhượng cổ phần đó. | Như vậy, cổ đông công ty cổ phần có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp bị pháp luật cấm chuyển nhượng hoặc hạn chế chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng cổ phần dễ dàng do đó cơ cấu cổ đông có thể thay đổi linh hoạt. Tuy nhiên, sự thay đổi đó không ảnh hưởng đến sự tồn tại cũng như bản chất của công ty. 

Đặc điểm 5: Về huy động vốn 

Giống như các loại hình công ty khác, khi có nhu cầu tăng vốn kinh doanh, công ty cổ phần có quyền huy động vốn. Tuy nhiên, các hình thức huy động vốn của công ty cổ phần đa dạng hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác. Cụ thể là công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để tăng vốn điều lệ. Điều này thể hiện khả năng huy động vốn lớn từ công chúng của công ty cổ phần. Đây là một trong những ưu thế của công ty cổ phần so với các loại hình doanh nghiệp khác, bởi lẽ các loại hình doanh nghiệp khác không có quyền phát hành cổ phần. Bên cạnh đó, công ty cổ phần còn có quyền phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật để tăng vốn vay. Ngoài ra, công ty cổ phần còn có thể huy động vốn từ cá nhân, tổ chức khác bằng hình thức vay vốn truyền thống.

Đặc điểm 6: Về tư cách pháp lý 

Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bởi công ty cổ phần đáp ứng đầy đủ các điều kiện để một tổ chức được công nhận là pháp nhân quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015. 

5/5 - (6 bình chọn)