Có bắt buộc thành lập chi nhánh không?

  • Tác giả: Phương Thảo |
  • Cập nhật: 27/03/2024 |
  • Tư vấn doanh nghiệp |
  • 373 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước thường có xu hướng thành lập chi nhánh để mở rộng sản xuất kinh doanh, thu hút khách hàng. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc và đặt câu hỏi là theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp Có bắt buộc thành lập chi nhánh không?

Vì vậy, trong bài viết này, Chúng tôi xin chia sẻ đến bạn đọc những nội dung liên quan đến câu hỏi Có bắt buộc thành lập chi nhánh không?

Chi nhánh là gì?

Đinh nghĩa chi nhánh là gì được quy định tại khoản 1 điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau:

Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.”

Như vậy, có thể thấy Chi nhánh là một đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, chi nhánh được thành lập nhằm mục đích mở rộng quy mô, thị trường kinh doanh, thu hút thêm khách hàng cho doanh nghiệp, chi nhánh thực hiện chức năng dại diện theo ủy quyền cho doanh nghiệp. Chi nhánh không có tư cách pháp nhân.

Pháp luật cho phép doanh nghiệp đặt một hoặc nhiều chi nhánh tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính. Tuy nhiên, khi thành lập chi nhánh, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký hoạt động của chi nhánh đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh.

Ví dụ: Doanh nghiệp X ở Bắc Ninh, họ có thể thành lập các chi nhánh ở một hoặc nhiều địa điểm tại các quận, huyện của Thành phố Hà Nội. Do đó Doanh nghiệp X gửi hồ sơ đăng ký hoạt động của chi nhánh đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi thành lập chi nhánh công ty.

Có bắt buộc thành lập chi nhánh không?

Khoản 1 điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020:

“ Doanh nghiệp có quyền thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính.”

Cùng với đó, theo quy định tại điều 7 Luật doanh nghiệp 2020 quy định Doanh nghiệp có quyền tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.

Do vậy, có thể hiểu rằng việc thành lập chi nhánh được pháp luật quy định là quyền của doanh nghiệp, mà khi đã quy định là quyền thì doanh nghiệp có thể thực hiện hoặc từ chối thực hiện quyền của mình.

Vì thế, về nguyên tắc, việc quyết định có thành lập chi nhánh để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh là quyền của doanh nghiệp trên cơ sở nhu cầu sản xuất kinh doanh của mình.

Như vậy, qua việc đưa ra các quy định của pháp luật và phân tích như trên, chúng tôi khẳng định lại một lần nữa là doanh nghiệp không bắt buộc phải thành lập chi nhánh mà căn cứ vào nhu cầu sản xuất kinh doanh của mình mà doanh nghiệp có quyền quyết định thành lập chi nhánh hoặc không.

Chi nhánh và doanh nghiệp có mối quan hệ gì?

Như đã phân tích trên, chi nhánh là một đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp, thực hiện các chức năng theo ủy quyền của doanh nghiệp. Do đó, chi nhánh và doanh nghiệp có mối quan hệ khăng khít với nhau, có thể xem xét qua những khía cạnh như sau:

Thứ nhất: Về việc đặt tên chi nhánh

Căn cứ theo điều 40 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: Tên chi nhánh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh”. Tên chi nhánh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh. Theo như quy định này, cấu thành của tên chi nhánh sẽ bao gồm các thành tố sau:Cụm từ “Chi nhánh”;Loại hình doanh nghiệp;Tên riêng của doanh nghiệp.

Ví dụ: Chi nhánh Công ty Cổ phần thành viên X; Chi nhánh Công ty TNHH 1 thành viên Y

Thứ hai: Về ngành nghề kinh doanh

Theo khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, chi nhánh bắt buộc phải thực hiện đúng với những ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong trường hợp chi nhánh thực hiện những ngành nghề khác so với doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải bắt buộc phải làm thủ tục bổ sung ngành, nghề.

Thứ ba: Nghĩa vụ thuế

Theo khoản 5 Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: “Mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp được cấp cho chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện.”

Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân. Khi đăng ký hoạt động chi nhánh, doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức hạch toán, gồm: Hạch toán độc lập hoặc hạch toán phụ thuộc.

Có thể hiểu hạch toán độc lập là mọi hoạt động tài chính, bao gồm cả nghĩa vụ thuế phát sinh tại chi nhánh được ghi sổ kế toán tại đơn vị, tự kê khai và nộp hồ sơ quyết toán thuế.

Hạch toán phụ thuộc thì chi nhánh phải thống kê, tập hợp giấy tờ gửi về doanh nghiệp để doanh nghiệp kê khai và quyết toán thuế.

Tuỳ vào việc đăng ký hình thức hạch toán, chi nhánh có thể tự kê khai hoặc được doanh nghiệp kê khai các loại thuế.

Do vậy, trong mối quan hệ về nghĩa vụ thuế doanh nghiệp và chi nhánh cũng có mối quan hệ với nhau thông qua hình thức hoạch toán phụ thuộc.

Tóm lại, pháp luật không bắt buộc doanh nghiệp phải thành lập chi nhánh mà việc thành lập chi nhánh là quyền của doanh nghiệp, tùy vào nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp có thể thành lập chi nhánh.

Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, chi nhánh không có tư cách pháp nhân, thực hiện chức năng theo sư ủy quyền của doanh nghiệp và chi nhánh không được thực hiện các hoạt động kinh doanh trái với doanh nghiệp. Chi nhánh có mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp.

Trên đây là những nội dung mà Chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc liên quan đến câu hỏi Có bắt buộc thành lập chi nhánh không? Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến Có bắt buộc thành lập chi nhánh không? bạn đọc vui lòng liên hệ để được Chúng tôi tư vấn trực tiếp. Xin cảm ơn!

5/5 - (5 bình chọn)