Chi nhánh có tư cách pháp nhân không?

  • Tác giả: Ngọc Lan |
  • Cập nhật: 27/03/2024 |
  • Tư vấn doanh nghiệp |
  • 494 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Hiện nay, nhu cầu thành lập chi nhánh đang được các tổ chức rất quan tâm, tìm hiểu. Qua bài viết sau đây, TBT Việt Nam chúng tôi xin được cung cấp đến quý khách hàng những quy định và vấn đề liên quan đến chi nhánh cũng như trả lời câu hỏi chi nhánh có tư cách pháp nhân không. Hi vọng những thông tin sau có thể giải đáp những thắc mắc của quý khách hàng.

Chi nhánh là gì?

Trước khi giải đáp chi nhánh có tư cách pháp nhân không, TBT Việt Nam xin giải thích rõ khái niệm chi nhánh theo quy định hiện hành.

Theo quy định tại điều 84 về chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân, Bộ luật dân sự 2015, điều 45 về chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại Luật doanh nghiệp 2014thì:

Chi nhánh được hiểu là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Tư cách pháp nhân là gì?

Pháp nhân theo như quy định tại Bộ luật dân sự 2015 là một tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định: được thành lập theo quy định pháp luật, có cơ cấu tổ chức hợp pháp, có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Tư cách pháp nhân là việc nhà nước công nhận cho tính hợp pháp trong sự tồn tại, tổ chức hoạt động của mình, chứng nhận tổ chức về quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật. tư cách để xác định trách nhiệm tài sản (vô hạn hay hữu hạn) của tổ chức, doanh nghiệp tức là nếu có tư cách pháp nhân sẽ tách bạch tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp với pháp nhân là doanh nghiệp đó (chịu trách nhiệm hữu hạn), còn doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân thì không có sự tách bạch này (chịu trách nhiệm vô hạn).

Chi nhánh có tư cách pháp nhân không?

Chi nhánh không có tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật hiện hành.

Lí do của việc này là bởi chi nhánh không đáp ứng được các điều kiện để được công nhận là pháp nhân như đã phân tích ở trên. Theo đó thì do chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì sao chi nhánh không có tư cách pháp nhân?

Nếu một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi và chỉ khi đáp ứng được các điều kiện quy định để được công nhận là pháp nhân. Qua việc phân tích những điều kiện theo điều 74, Bộ luật dân sự 2015, chúng tôi xin làm rõ việc vì sao chi nhánh không phải là pháp nhân qua những phân tích sau đây:

Thứ nhất: Được thành lập theo quy định của pháp luật, có cơ cấu tổ chức theo quy định.

Hai yếu tố này, một chi nhánh được thành lập với nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân một cách hợp pháp và tuân thủ theo đúng quy định pháp luật có thể đáp ứng.

Thứ hai: Về điều kiện tài sản độc lập và tính chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.

Do việc hình thành và tồn tại của chi nhánh phụ thuộc vào tổ chức, pháp nhân thành lập ra nó; người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.

Vậy nên bản thân chi nhánh không có tài sản độc lập đối với pháp nhân thành lập, không tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của chính mình mà liên quan đến tài sản của tổ chức; chịu sự chi phối về tổ chức và hoạt động của tổ chức.

Ngoài ra, về chiều ngược lại pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.

Thứ ba: Về tính độc lập khi tham gia vào quan hệ pháp luật, chi nhánh thực hiện việc kinh doanh, hoạt động dưới danh nghĩa là của pháp nhân thành lập ra nó. Việc ký kết hay thực hiện hoạt động kinh doanh cũng là dưới danh nghĩa của tổ chức mà không phải chính mình.

Thứ tư: Tại Bộ luật dân sự ở Khoản 1 Điều 84 cũng quy định: Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân chứ không phải là pháp nhân.

Như vậy, với câu hỏi: chi nhánh có tư cách pháp nhân không có thể khẳng định: chi nhánh không có tư cách pháp nhân bởi không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật dân sự. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng bản thân chi nhánh cũng có ý nghĩa lớn đối với pháp nhân thành lập ra nó, bởi lẽ đây là nơi pháp nhân thực hiện những hoạt động nhằm mục đích của tổ chức.

 

5/5 - (5 bình chọn)