Các loại hình công ty (doanh nghiệp) 2024

  • Tác giả: Ngọc Lan |
  • Cập nhật: 28/03/2024 |
  • Tư vấn doanh nghiệp |
  • 1396 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Để xác định đúng loại hình công ty (doanh nghiệp) khi thành lập cũng như thuận lợi trong quá trình vận hành doanh nghiệp sau thành lập, Quý vị cần nắm rõ về các loại hình công ty (doanh nghiệp). Bài viết này sẽ đem đến các thông tin hữu ích liên quan đến nội dung này, mời Quý vị theo dõi:

Loại hình doanh nghiệp là gì?

Có thể hiểu khái quát rằng, loại hình doanh nghiệp là cách phân biệt bản chất pháp lý của các tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

Các loại hình doanh nghiệp (công ty) hiện nay?

Theo Luật doanh nghiệp năm 2020, hiện nay Nhà nước thừa nhận sự tồn tại năm loại hình doanh nghiệp, đó là: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH (công ty TNHH một hành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên), Công ty Cổ phần, Công ty Hợp danh và Doanh nghiệp Nhà nước.

Đặc điểm các loại hình doanh nghiệp?

TBT Việt Nam xin lưu ý về các đặc điểm của các loại hình công ty (doanh nghiệp) theo quy định pháp luật.

1/ Doanh nghiệp tư nhân

– Chủ sở hữu

Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân bắt buộc phải là cá nhân. Cá nhân đó có thể mang quốc tịch Việt Nam hoặc là người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam và từ đủ 18 tuổi trở lên, đồng thời phải có năng lực hành vi dân sự.Bên cạnh đó, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân không thuộc vào các trường hợp pháp luật cấm thành lập doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020.

Như vậy, nếu một cá nhân là thành viên hợp danh của công ty hợp danh và được các thành viên còn lại trong công ty hợp danh nhất trí cho làm chủ doanh nghiệp tư nhân thì cá nhân đó vẫn được đồng thời làm chủ sở hữu công ty hợp danh và chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, vì vậy điều kiện bắt buộc phải là công ty hợp danh được thành lập trước doanh nghiệp tư nhân.

Còn trong trường hợp một cá nhân thành lập doanh nghiệp tư nhân trước thì cá nhân đó sẽ không được đồng thời làm chủ sở hữu các loại hình doanh nghiệp khác.

– Trách nhiệm góp vốn thành lập doanh nghiệp

Chủ doanh nghiệp tư nhân là người duy nhất tự bỏ vốn thành lập doanh nghiệp. Vì vậy, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định quy mô, phạm vi về vốn cũng như mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Vốn để thành lập doanh nghiệp tư nhân có thể là vốn tự có (tài sản riêng của chủ sở hữu), vốn được hình thành từ các khoản vay tài chính tín dụng,…

Theo quy định của luật doanh nghiệp hiện hành, thủ tục góp vốn không đặt ra đối với doanh nghiệp tư nhân. Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho doanh nghiệp. Đây chính là điểm khác biệt so với loại hình công ty. Như vậy, doanh nghiệp tư nhân không có tài sản riêng mà tài sản của doanh nghiệp tư nhân vẫn thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân không có quyền phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào và cũng không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

– Trách nhiệm tài sản

Doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm tài sản đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong phạm vi toàn bộ tài sản của mình.

Trách nhiệm tài sản được đặt ra với chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân là vô hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

– Tư cách pháp nhân

Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân bởi bản chất pháp lý của loại hình doanh nghiệp này đã không thỏa mãn một trong các điều kiện để được công nhận là pháp nhântheo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, đó là: “Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình”.

2/ Công ty TNHH

– Chủ sở hữu

Chủ sở hữu công ty TNHH có thể là cá nhân, tổ chức ( trong đó số lượng không quá 50 thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên; không quá 01 thành viên đối với công ty TNHH một thành viên).

Nếu là cá nhân, cá nhân đó có thể mang quốc tịch Việt Nam hoặc là người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, đồng thời phải có năng lực hành vi dân sự.Bên cạnh đó, cá nhân thành lập công ty TNHH phải không thuộc vào một trong các trường hợp pháp luật cấm thành lập doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020.

Nếu là tổ chức, tổ chức đó có thể là tổ chứcđược thành lập (hoặc đăng ký thành lập) theo pháp luật Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc là tổ chức được thành lập (hoặc đăng ký thành lập) theo pháp luật nước khác, có trụ sở chính tại nước ngoài.

Tuy nhiên, tổ chức làm chủ sở hữu công ty TNHH phải không thuộc vào một trong các trường hợp pháp luật cấm thành lập doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020.

– Trách nhiệm góp vốn thành lập doanh nghiệp

Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, các thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp.

Đối với công ty TNHH một thành viên, chủ sở hữu phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Ngoài ra, vốn của công ty TNHH còn được hình thành từ các khoản vay tài chính tín dụng, …

Công ty TNHH không được quyền phát hành cổ phần để huy động vốn.

– Trách nhiệm tài sản

Đối với mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên, thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Nếu thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.

Đối với mô hình công ty TNHH một thành viên, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tìa chính, thiệt hại do công ty gây ra, nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ kể cả khi không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ.

– Tư cách pháp nhân

Cả hai mô hình công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên đều có tư cách nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3/ Công ty Cổ phần

– Chủ sở hữu

Chủ thể thành lập cong ty cổ phần có thể là cá nhân, tổ chức ( tối thiểu phải từ 03 thành viên trở lên).

Nếu là cá nhân, cá nhân đó có thể mang quốc tịch Việt Nam hoặc là người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, đồng thời phải có năng lực hành vi dân sự. Bên cạnh đó, cá nhân thành lập công ty cổ phần phải không thuộc vào một trong các trường hợp pháp luật cấm thành lập doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020.

Nếu là tổ chức, tổ chức đó có thể là tổ chức được thành lập (hoặc đăng ký thành lập) theo pháp luật Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc là tổ chức được thành lập (hoặc đăng ký thành lập) theo pháp luật nước khác, có trụ sở chính tại nước ngoài.

Tuy nhiên, tổ chức thành lập công ty cổ phần phải không thuộc vào một trong các trường hợp pháp luật cấm thành lập doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020.

– Trách nhiệm góp vốn thành lập doanh nghiệp

Vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại. Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.

Vốn của công ty cổ phần còn được hình thành từ các khoản vay tài chính tín dụng, bên cạnh đó công ty cổ phần có một ưu điểm vượt trội so với các loại hình doanh nghiệp khác là có quyền phát hành cổ phần các loại để huu động vốn.

– Trách nhiệm tài sản

Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

Nếu cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua thì phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc trường hợp Điều lệ công ty hay hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.

– Tư cách pháp nhân

Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

4/ Công ty hợp danh

– Chủ sở hữu

Để thành lập công ty hợp danh cần ít nhất 02 cá nhân được gọi là thành viên hợp danh. Thành viên hợp danh có thể mang quốc tịch Việt Nam hoặc là người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, đồng thời phải có năng lực hành vi dân sự.

Bên cạnh đó, chủ sở hữu công ty hợp danh phải không thuộc vào một trong các trường hợp pháp luật cấm thành lập doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020.

– Trách nhiệm góp vốn thành lập doanh nghiệp

Trong công ty hợp danh ngoài thành viên hợp danh còn có thể có thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết.

Nếu thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.

Bên cạnh đó, công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

– Trách nhiệm tài sản

Thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty, còn đối với thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

– Tư cách pháp nhân.

Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

5/ Doanh nghiệp nhà nước

– Chủ sở hữu

Chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước là Nhà nước hoặc Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lại lợi nhuận cho nhà nước.

– Trách nhiệm góp vốn thành lập doanh nghiệp

Vốn thành lập doanh nghiệp được lấy hoàn toàn từ ngân sách nhà nước vì vậy Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 23Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp nhà nước được quyền vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính; vay của tổ chức, cá nhân ngoài doanh nghiệp, của người lao động; phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.

– Trách nhiệm tài sản

Khi doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn vay đúng mục đíchphải tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn. Nhà nước không chịu trách nhiệm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ do doanh nghiệp trực tiếp vay, trừ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

– Tư cách pháp nhân

Doanh nghiệp nhà nước có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Ví dụ về các loại hình doanh nghiệp

DNTN Ngọc Ánh ,Công ty TNHH Một Thành Viên Vận Tải Thương Mại Dịch Vụ Quan Thái , Công ty cổ phần TMS Resort Cồn Sơn, Công Ty Hợp Danh Spintrans, Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam,Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott).

Để được tư vấn thêm thông tin về các loại hình công ty (doanh nghiệp), Quý vị hãy liên hệ ngay 1900 6560, TBT Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ.

5/5 - (5 bình chọn)