Tác dụng của câu rút gọn?

  • Tác giả: Vũ Thu Hà |
  • Cập nhật: 25/05/2022 |
  • Giáo dục |
  • 2479 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Trong quá trình giao tiếp, chúng ta có thể sử dụng câu rút gọn để câu văn được ngắn gọn và xúc tích hơn. Vậy câu rút gọn là gì? Tác dụng của câu rút gọn? Khách hàng quan tâm những nội dung trên vui lòng theo dõi nội dung bài viết dưới đây để có thêm các thông tin hữu ích.

Câu rút gọn là gì?

Hiểu đơn giản, câu rút gọn là những câu bị lược bỏ một số thành phần nào đó trong câu, có thể là chủ ngữ hoặc vị ngữ hoặc cả chủ ngữ và vị ngữ. Tùy theo hoàn cảnh và mục đích cụ thể mà ta có thể lược bỏ thành phần phù hợp; đảm bảo đúng nội dung cần truyền đạt và câu văn không bị cộc lốc, khiếm nhã. 

Ví dụ 1: Lan hỏi Hoa: “Bao giờ thì cậu đi Hà Nội?”.

Hoa: “Ngày mai tớ đi Hà Nội” (Câu hoàn chỉnh, đầy đủ các thành phần).

Hoa: “Ngày mai đi” (Câu rút gọn, đã lược bỏ phần chủ ngữ).

Thông thường, câu rút gọn được dùng phổ biến trong văn nói, trong các đoạn hội thoại giao tiếp giữa những người cùng cấp bậc hoặc những người thân quen. Tuy nhiên, câu rút  gọn cũng được trong thơ ca, câu tục ca dao, tục ngữ.

Ví dụ 2: câu ca dao: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Câu đầy đủ: “Chúng ta học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Các kiểu câu rút gọn

Có 3 kiểu câu rút gọn là: rút gọn chủ ngữ, vị ngữ và rút gọn cả chủ ngữ và vị ngữ. Để hiểu rõ hơn về các kiểu câu này, mời các bạn cùng tham khảo những chia sẻ dưới đây của chúng tôi:

– Câu rút gọn chủ ngữ: Là những câu được rút gọn chủ ngữ khi sử dụng.

Ví dụ:

Hoa: “Bao giờ cậu về quê”?

Lan: “Ngày mai về”. (Rút gọn câu cùng chủ ngữ, chỉ còn lại trạng ngữ và vị ngữ).

Câu đầy đủ: “Ngày mai tớ về quê”.

– Câu rút gọn vị ngữ: Là câu được rút gọn thành phần vị ngữ khi giao tiếp.

Ví dụ:

Hoa: “Có những ai tham gia cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh?”.

Lan: “Hồng và Huệ” (Chỉ còn phần chủ ngữ).

Câu đầy đủ: “Hồng và Huệ tham gia cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh”.

– Câu rút gọn chủ ngữ và vị ngữ : Là những câu được rút gọn cả phần chủ ngữ và vị ngữ.

Ví dụ:

Hoa: “Mấy giờ cậu đi học?”.

Lan: “6 giờ” (Chỉ còn phần trạng ngữ).

Câu đầy đủ: “6 giờ tớ đi học”.

Tác dụng của câu rút gọn

Thực tế, việc sử dụng những câu rút gọn trong giao tiếp mang đến rất nhiều lợi ích cho người nói, có thể kể đến như:

– Giúp cho câu văn ngắn, gọn, xúc tích hơn mà vẫn đảm đảo đúng nội dung thông tin truyền đạt.

– Tránh tình trạng trùng lặp từ ngữ của những câu nói trước đó.

– Lược bỏ chủ ngữ giúp câu mang ý nghĩa tổng quát hơn. Từ đó, người nghe sẽ tiếp nhận thông tin được nhanh và chính xác hơn.

– Ngụ ý hành động, suy nghĩ trong câu dùng chung cho tất cả mọi người nên ai cũng có thể hiểu được.

– Ngoài ra, rút gọn câu còn có tác dụng nhấn mạnh và người nghe sẽ tập trung vào nội dung chính nhiều hơn.

Lưu ý: Khi rút gọn câu, bạn cần phải lưu ý những vấn đề dưới đây:

– Không phải câu nào cũng có thể rút gọn được. Vì vậy, tùy theo ngữ cảnh và mục đích cụ thể để lược bỏ một số thành phần câu sao cho phù hợp.

– Rút gọn câu nhưng vẫn phải đảm bảo đúng nội dung truyền đạt, tránh trường hợp người nghe không hiểu hoặc hiểu sai ý nghĩa câu.

– Không nên lạm dụng rút gọn câu quá nhiều bởi như vậy có khiến người nghe cảm thấy khó chịu. Bên cạnh đó, cần phải tránh rút gọn khiến cho câu văn trở nên cộc lốc.

– Trong giao tiếp, chỉ nên sử dụng câu rút gọn với những người cùng cấp bậc, cùng trang lứa. Bạn không nên rút gọn câu khi đang giao tiếp với những người thuộc vai trên như ông, bà, cha, mẹ,… vì như vậy thể hiện sự thiếu tôn trong với bề trên.

5/5 - (5 bình chọn)